Thông qua mô hình sẽ chọn ra được những giống mới có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương, góp phần đa dạng bộ giống của tỉnh, dần thay thế một số giống địa phương có năng suất và chất lượng thấp, khả năng chống chịu sâu bệnh hại kém và hiệu quả kinh tế thấp.

 

Qua 4 tháng triển khai, đến nay mô hình đã cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt 7,3 tấn/ha, cao hơn hẳn so với các giống khác trồng tại địa phương từ 0,5 - 1 tấn/ha, được bà con nông dân đánh giá cao. Năng suất lúa TEJ vàng có thể đạt cao hơn nhưng vì mô hình triển khai trong vụ Đông Xuân vừa qua gặp thời tiết không được thuận lợi, hạn hán kéo dài vào đúng giai đoạn đẻ nhánh và trổ bông nên đã làm ảnh hưởng lớn tới năng suất, tỷ lệ đẻ nhánh hữu hiệu không cao hơn so với bình thường, trọng lượng hạt thấp. Với giá bán 6.500 đồng/kg thì 1 ha lúa thu được 47.450.000đồng, sau khi trừ chi phí cho thu nhập bình quân là: 29.650.000 đồng.

 

Theo đánh giá của các hộ tham gia mô hình thì giống lúa TEJ vàng sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ nảy mầm đạt trên 98%, đẻ nhánh sớm, đẻ khỏe, ít nhiễm bệnh khô vằn đạo ôn cổ bông, dễ chăm sóc, thích hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng của địa phương. Lúa lai TEJ vàng là giống chịu thâm canh và cho năng suất tương đối cao. Hạt gạo trong, cơm dẻo.

 

Ông Nguyễn Ngọc Tâm ở thôn Đức Sơn, xã Đức Mạnh, huyện Đăk Mil cho biết: “TEJ vàng là giống lúa lai được trồng đầu tiên tại thôn Đức Sơn mà cho năng suất cao hơn so với các giống lúa lai khác hiện đang canh tác tại địa phương. Hơn nữa giống TEJ vàng có khả năng chống chịu sâu bệnh và chịu hạn tốt, mặc dù trong suốt quá trình canh tác lúa gặp hạn nặng nhưng vẫn cho năng suất cao hơn các giống khác”.

 


Ông Trần Minh Châu ở thôn Vinh Đức xã Đức Mạnh vui vẻ nói: “Gia đình tôi có 0,2 ha lúa, trước đây tôi trồng giống lúa BTE1, tuy năng suất cao nhưng thời gian sinh trưởng dài, chín muộn, dễ nhiễm bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá lúa... nên chi phí phun thuốc rất cao. Vụ này tôi được tham gia làm khảo nghiệm lúa lai lai TEJ vàng, tôi thấy đây là giống tốt, lúa sinh trưởng khỏe, ít nhiễm sâu bệnh, trong suốt thời gian trồng chỉ phải phun thuốc sâu 1 lần và 1 lần phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước khi trổ bông vậy mà bông lúa dài, nhiều hạt, sau khi thu hoạch năng suất đạt 7,5 tấn/ha, cao hơn vụ trước 2 tạ”.

Song song với quá trình triển khai mô hình khảo nghiệm, Trạm Khuyến nông Khuyến ngư huyện Đăk Mil đã tổ chức các cuộc tập huấn về kỹ thuật làm đất, xử lý giống và gieo sạ; bón phân, điều tiết nước trong ruộng lúa; phòng trừ sâu bệnh hại. Kết quả đã tổ chức được 12 cuộc tập huấn với 960 lượt người tham dự, trong đó có 80 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 8,3% và 112 người là nữ, chiếm 11,6%. Thông qua lớp tập huấn bà con nông dân được thực hành ngay tại ruộng về kỹ thuật xử lý hạt giống, làm đất, gieo sạ lan, bón phân, điều tiết nước trong ruộng lúa và nhận biết các loại sâu bệnh hại lúa, cách phòng trừ dịch hại tổng hợp. Ngoài ra còn được học cách sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng.

 

Ông Trần Văn Long, một hộ thực hiện mô hình khảo nghiệm tại thôn Thanh Lâm, xã Đức Minh, huyện Đăk Mil nói: “Tôi làm mô hình khảo nghiệm lúa giống rất nhiều nhưng chưa có giống nào sâu bệnh hại lại ít như giống lúa lai TEJ vàng. Trước đây chúng tôi thường canh tác các giống lúa địa phương nên năng suất rất thấp. Vụ Đông Xuân này, tôi được tham gia làm khảo nghiệm nghiệm giống lúa TEJ vàng của trạm Khuyến nông triển khai. Trong suốt thời gian thực hiện, được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại theo đúng kỹ thuật nên lúa phát triển rất tốt, không có sâu bệnh hại”.

 

Có thể nói mô hình trồng khảo nghiệm giống lúa lai TEJ vàng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân mà còn có tác động tích cực về mặt xã hội và môi trường. Từ mô hình người nông dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Năng suất lúa tương đối cao đã làm cho bà con yên tâm hơn trong sản suất nông nghiệp. Trong quá trình thâm canh, việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật đã hạn chế được lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong môi trường và nông sản, từ đó bảo vệ môi trường đất, môi trường nước, các vi sinh vật có lợi, cân bằng sinh thái trên đồng ruộng.

 

Nguyễn Thị Xuân Hằng
Trạm KNKN Đăk Mil, Đăk Nông