Cán bộ kỹ thuật kiểm tra cà phê tại hộ ông Đỗ Hoàng Yên

Nông dân tham gia mô hình được hưởng nhiều lợi ích như: được hỗ trợ 50% giống và thuốc bảo vệ thực vật, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và chế biến bảo quản cà phê. Đặc biệt, bà con nông dân còn được cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả; biết cách bón phân cân đối, hợp lý, sử dụng từng loại phân bón theo đúng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây cà phê, hạn chế thất thoát phân bón, giảm chi phí đầu tư và đảm bảo năng suất cao.

Theo ông Nguyễn Văn Hạ  - Chủ nhiệm HTX Công Bằng Thuận An, trước đây nông dân chưa chú trọng sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn thế giới nên hiệu quả chưa cao và bị thương lái ép giá. Sau một năm triển khai mô hình người dân nơi đây đánh giá rất cao, bà con đã thay đổi thói quen canh tác cà phê theo lối truyền thống, chuyển sang canh tác cà phê theo hướng bền vững áp dụng đúng khoa học kỹ thuật đã tăng năng suất, chất lượng cà phê, giảm chi phí đầu vào. Trước đây, người dân có thói quen sử dụng thuốc BVTV bừa bãi, không theo nguyên tắc, từ khi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân đã hiểu được thuốc BVTV không phải là biện pháp duy nhất để phòng bệnh, giờ đây bà con đã biết sử dụng nhiều biện pháp tổng hợp để phòng bệnh cho vườn cà phê như: bảo vệ thiên địch có lợi, cắt cành tạo độ thông thoáng cho vườn cà phê, bón phân cân đối hợp lý. Thuốc BVTV chỉ sử dụng khi cây trồng có mật độ sâu bệnh nhiều và sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng.

Kỹ thuật bón phân cân đối cho cây cà phê cũng được người dân áp dụng cho vườn nhà mình, bà con đã biết cách bón phân cân đối hợp lý, sử dụng phân bón theo đúng chu kỳ phát triển của cây cà phê, nhờ đó mà giảm khoảng 15% kinh phí nhưng vẫn đảm bảo năng suất. Ông Đỗ Hoàng Yên, ở thôn Đức An, xã Thuận An cho biết: “Những năm trước, 1 ha cà phê của gia đình tôi chỉ đạt năng suất ở mức 3 tấn. Nhưng sau khi tham gia mô hình sản xuất cà phê bền vững, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và chế biến bảo quản. Tôi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách bón phân cân đối, hạn chế thất thoát phân bón, ngoài ra gia đình tôi còn biết cách tận dụng vỏ cà phê kết hợp với phân bò và nấm Trichoderma ủ hoai để bón cho cà phê, nhờ đó giảm chi phí đầu tư. Năm 2015, gia đình tôi đạt năng suất trên 4 tấn/ha”.

Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là bón phân cân đối hợp lý đã giúp cho các diện tích cà phê giảm tỷ lệ rụng trái non, trọng lượng hạt tăng. Khi tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững các hộ nông dân phải tuân thủ Bộ quy tắc theo tiêu chuẩn UTZ Certified, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với HTX Công Bằng Thuận An tiến hành kiểm tra những hộ đạt tiêu chuẩn để cấp giấy chứng nhận, 25 hộ tham gia mô hình đều đã có giấy chứng theo tiêu chuẩn UTZ Certified và được chính HTX Công Bằng thu mua cao hơn giá thị trường 600 đồng/kg cà phê nhân. Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình, thì các hộ tham gia mô hình đã áp dụng đúng quy trình nên năng suất trung bình mô hình tương đối cáo. Năng suất trung bình đạt 4,1 tấn/ha, trong đó chi phí đầu tư giảm 15% so với sản xuất ngoài mô hình.  

Đánh giá hiệu quả kinh tế: Tổng thu là 151.700.000 đồng/ha; Tổng chi 61.400.000 đồng/ha (bao gồm: chi phí phân bón, thuốc BVTV 30.000.000 đồng/ha; chi chăm sóc, thu hoạch 20.400.000 đồng; chi tưới nước 11.000.000 đồng); lợi nhuận 90.300.000 đồng/ha.

Từ những thành công đem lại, mô hình đã thu hút được nhiều hộ nông dân tham gia, mở rộng được diện tích cà phê có chứng nhận 4C, UTZ Certifield và thông qua chương trình đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thị trường, bán được cà phê với giá cao hơn, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê. Sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C hay UTZ Certifield là kết quả từ sự liên kết của các doanh nghiệp hay HTX và người nông dân thông qua chính quyền địa phương hoặc nhóm, tổ sản xuất, những người cùng sở thích. Trong năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đăk Nông tiếp tục triển khai mô hình tại xã Nhân Cơ và xã Đăk Wer huyện Đăk R’lấp với qui mô 25ha. Góp phần giúp cho nông dân trong toàn tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng cà phê.

Trịnh Đình Thâng

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Đăk Nông