Mô hình thâm canh bơ theo hướng hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm thuộc Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững năm 2019. Mục đích triển khai mô hình là chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất bơ; từng bước khuyến cáo người dân biết cách sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm chất lượng cao; thay đổi phương thức sản xuất theo cách làm truyền thống sang sản xuất có sự liên kết với nhau, áp dụng khoa học kỹ thuật để thâm canh, tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái và hướng tới một nền nông nghiệp bền vững.

Mô hình được triển khai với quy mô 03 ha cho 03 hộ dân tham gia. Các hộ tham gia mô hình được nhà nước hỗ trợ 100% vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, với tổng kinh phí hỗ trợ là 64.865.000 đồng/ha. Ngoài ra, khi tham gia mô hình, các hộ được tập huấn kỹ thuật theo tiến độ; cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, theo dõi và kịp thời hướng dẫn người dân.

Sau hơn 6 tháng triển khai, mô hình đạt được một số kết quả như sau: Tỷ lệ đồng đều vườn đạt trên 80%; trọng lượng quả trung bình 500 gram/quả; năng suất cây cao đạt 200 kg/cây, năng suất ước đạt trung bình 20 tấn/ha. Với giá bán hiện tại là 20.000 đồng/kg thì lợi nhuận ròng sau khi trừ hết mọi chi phí còn hơn 300 triệu đồng/ha.

Các đại biểu tham quan mô hình thâm canh bơ có kết hợp bọc trái hạn chế bọ xít chích hút của ông Đỗ Văn Dương, thôn Nam Tiến, xã Buôn Choah, huyện Krông Nô 

Từ kết quả của mô hình, thông qua hội thảo đã từng bước tác động làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân theo phương pháp truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp sang sản xuất theo hướng hữu cơ có liên kết, áp dụng các biện pháp kỹ thuật đạt hiệu quả cao hơn. Người dân nhận biết rõ các loại sâu bệnh gây hại cây bơ Booth nói riêng và bơ nói chung để sử dụng các biện pháp phòng trị hiệu quả nhất. Đối với các loại bệnh nên có biện pháp phòng bằng cách tăng cường bón phân hữu cơ, kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học như Trichoderma hay Ketomium để bón, phun giúp cây khỏe mạnh, tăng sức đề kháng cho cây. Đối với sâu, không cần phòng như trước mà chỉ trị khi cần thiết và người dân đã biết cách trị hiệu quả. Thông qua mô hình đã giúp người dân nhận thức rõ về hậu quả của việc lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp, để từ đó hạn chế cũng như sử dụng theo đúng khuyến cáo. Mặt khác, từ sản xuất riêng lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm, nay người dân đã biết liên kết với nhau để sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, số lượng lớn, đồng bộ và bán với giá cao hơn, tránh bị thương lái ép giá, tăng hiệu quả kinh tế cũng như xã hội và môi trường. Đặc biệt, khi tham gia mô hình các hộ được khuyến cáo nên không còn sử dụng thuốc trừ cỏ như trước đây. Mô hình được người dân tham gia hội thảo đánh giá cao và hưởng ứng nhiệt tình, có khả năng nhân rộng.

Nguyễn Thị Thắm

Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông