Năm 2018, Trạm Khuyến nông huyện Đắk Glong triển khai mô hình “Nuôi gà thả vườn sử dụng đệm lót sinh học” ở xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong quy mô 800 con gà với 8 hộ được chọn tham gia, mỗi hộ được nhận nuôi 100 con gà. Các hộ tham gia thực hiện mô hình được hỗ trợ 100% kinh phí về con giống và vật tư cho quá trình nuôi bao gồm cám, vắc-xin, hóa chất sát trùng, men vi sinh sử dụng làm đệm lót sinh học và được tập huấn về kỹ thuật nuôi. Giống gà được chọn thực hiện mô hình là giống gà King 303 của công ty Japfa. Trạm đã cấp phát toàn bộ giống và vật tư đợt 1 cho bà con tham gia mô hình vào ngày 24/4/2018, và vật tư là cám còn lại được cấp phát vào ngày 24/5/2018. Trong quá trình triển khai mô hình, trạm đã cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, theo dõi và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc gà theo từng giai đoạn cho bà con.

Gà của mô hình ở hộ ông Nguyễn Xuân Cẩn, thôn Đắk Lang, xã Quảng Khê

Tham dự hội thảo có đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông; Trưởng trạm và nhân viên của trạm Khuyến nông huyện Đắk Glong; Khuyến nông viên xã, các cộng tác viên khuyến nông cùng với 40 nông dân trên địa bàn xã Quảng Khê.

Sau gần 3 tháng triển khai, mô hình đã mang lại kết quả khả quan. Gà khỏe mạnh, ít mắc bệnh, nhanh to; tỉ lệ gà sống trung bình 96%, trọng lượng bình quân đạt 2kg/con, lượng thức ăn tiêu tốn khoảng 2,6kg/kg trọng lượng.

Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Xuân Cẩn, một hộ tham gia mô hình cho biết: Việc tham gia mô hình “Nuôi gà thả vườn sử dụng đệm lót sinh học” đã mang lại ý nghĩa rất lớn với bản thân ông và gia đình. Nhờ được tham gia chương trình tập huấn “Kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn” do Trạm Khuyến nông huyện Đắk Glong tổ chức cùng với quá trình trực tiếp nuôi, chăm sóc đàn gà, ông Cẩn đã rút ra được những bài học và ông cũng nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân với bà con.

Theo ông Cẩn, để nuôi gà đạt hiệu quả cao thì cần chú trọng đến khâu chọn giống, phải chọn giống gà đạt tiêu chuẩn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo. Về kỹ thuật úm gà: dựa vào độ tuổi của gà và các biểu biện của đàn gà để biết cách điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp với nhu cầu của gà. Chú ý các loại vắc-xin cần tiêm chủng cho gà theo từng giai đoạn; kỹ thuật phòng và trị các loại bệnh thường gặp trên gà; cách sử dụng men vi sinh làm đệm lót sinh học khu vực chuồng nuôi. Sau 76 ngày nuôi, gà nhà ông đạt trọng lượng trung bình 2kg/con, hiện tại giá bán là 70 ngàn đồng/kg. Với 100 con gả sau khi trừ toàn bộ chi phí chăm sóc ông có thể lãi được khoảng 4.250.000 đồng.

Hộ tham gia mô hình nêu các kỹ thuật đã áp dụng và tính toán hiệu quả kinh tế mô hình

Bà con đến tham gia hội thảo sau khi được tham quan chuồng trại nuôi gà của một số hộ tham gia mô hình, đa số bà con đều nhất trí với việc nhân rộng mô hình “Nuôi gà thả vườn sử dụng đệm lót sinh học”. Bởi mô hình này góp phần tác động làm thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân từ chăn nuôi theo phương pháp truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp sang chăn nuôi gà sử dụng giống mới có áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, chăn nuôi tập trung đạt hiệu quả cao hơn. Đặc biệt việc sử dụng đệm lót sinh học trong khu vực chuồng nuôi đã hạn chế được mùi hôi, bảo vệ môi trường và gà ít bị bệnh, nhanh lớn, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi. Mô hình có tính thuyết phục đủ điều kiện để phổ biến nhân rộng.

Cũng trong buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Nhượng ở thôn Đắk Lang, xã Quảng Khê cũng thay mặt cho bà con nông dân bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc với lực lượng khuyến nông của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông, đặc biệt là Trạm Khuyến nông huyện Đắk Glong trong những năm qua đã thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn, triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp thiết thực, ý nghĩa cho bà con trên địa bàn huyện. Bản thân ông cũng như các bà con khác đều mong muốn chính quyền các cấp tạo điều kiện để hằng năm có thêm nhiều mô hình về chăn nuôi, trồng trọt khác áp dụng các tiến bộ kỹ thuật được triển khai trên địa bàn. Qua đó bà con có thể tiếp cận, học hỏi và áp dụng để sản xuất ngày càng hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình, đồng thời cũng góp phần thúc đẩy nông nghiệp tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Trần Thị Thanh Nhàn
Trạm Khuyến nông huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông