Với mục đích nhân rộng mô hình sản xuất thanh long có hiệu quả, hội thảo còn là cơ hội để người trồng thanh long chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây thanh long; góp phần chuyển biến tích cực trong nhận thức của nông dân đối với việc áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tham quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai

Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn, hiện nay, trang trại của ông Bùi Đình Anh đã tăng diện tích đất sản xuất lên 40 ha, với diện tích trồng thanh long là 30 ha, trong đó có 23 ha thanh long đã cho thu hoạch, 7 ha đang giai đoạn chăm sóc. Trạng trại đã thực hiện quy trình sản xuất theo hướng GlobalGAP để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Về tổ chức sản xuất, trang trại thực hiện thuê khoán lao động theo diện tích và số trụ chăm sóc, trên cơ sở đó đánh giá hiệu quả chăm sóc của người được thuê để trả lương và thưởng. Các nhân viên được tham gia tập huấn kỹ thuật nhằm đảm bảo việc áp dụng thống nhất một quy trình trong toàn bộ hoạt động của trang trại. Hàng năm, 1 ha thanh long mang lại doanh thu 1 tỷ/năm, trong đó chi phí chiếm 60%, lợi nhuận ước đạt 40%.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng cây thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Bùi Đình Anh, chủ hộ thực hiện mô hình cho rằng, nông dân cần nắm vững mật độ, kỹ thuật trồng, chăm sóc thanh long. Hiện nay, trang trại đang thực hiện trồng theo mật độ 1.100 - 1.200 trụ/ha, phân hữu cơ được sử dụng 02 lần/năm. Đối với phân hóa học thì hòa với nước và sử dụng thông qua hệ thống tưới phun để tưới cho toàn bộ diện tích sản xuất; ùy theo năng suất hàng năm (số lượng trái) mà số lượng phân sử dụng ít hay nhiều, trung bình 100 gram/trụ. Thực hiện tốt việc vuốt tai trái thanh long 02 lần vào thời điểm trái được 14 ngày và trái được 20-22 ngày (trước khi thu hoạch 6-8 ngày) để đảm bảo mẫu mã trái đẹp hơn, trái chín đều và bảo quản được lâu hơn. Trong quá trình canh tác cần đảm bảo vườn thông thoáng, đủ nắng và gió, đất không bị ngập úng.

Ông Bùi Đình Anh chia sẻ kinh nghiệm trồng thanh long ruột đỏ

Phát biểu tại hội thảo, ông Huỳnh Thành Vinh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương, đơn vị chức năng liên quan tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân các cấp triển khai xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn không chỉ riêng với cây thanh long mà còn trên các loại cây trồng khác. Việc triển khai thực hiện tốt công tác nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả tiến tới xây dựng cánh đồng lớn căn cứ vào tình hình sản xuất thực tế tại địa phương là một trong những giải pháp cơ bản để phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững, lâu dài.

                                                                              Trọng Toàn

TTKN Đồng Nai