Tham dự hội thảo có ông Huỳnh Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ông Ngô Tấn Tài - Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán, ông Lương Thành Trung - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai và gần 180 đại biểu đại diện các đơn vị trực thuộc Sở, đại diện Phòng Kinh tế/Nông nghiệp và nông dân các huyện Tân Phú, Định Quán, Trảng Bom, Xuân Lộc và Thống Nhất.

Tại hội thảo, chủ hộ thực hiện mô hình, đại diện Chi cục Phát triển nông thôn, trạm khuyến nông đã trình bày các báo cáo về kết quả thực hiện mô hình trồng mãng cầu na; đánh giá chung về hiện trạng cây ăn trái trên địa bàn huyện nói chung và cây mãng cầu na nói riêng; định hướng phát triển, tiềm năng của cây mãng cầu na giống mới và khả năng nhân rộng trên địa bàn tỉnh; một số lưu ý trong canh tác mãng cầu na giống mới; chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Bà Nguyễn Thị Kim Mai trao đổi kỹ thuật trồng mãng cầu na hạt lép

Theo bà Nguyễn Thị Kim Mai, chủ hộ thực hiện mô hình cho biết cây mãng cầu na hạt lép có nhiều ưu điểm nổi trội, mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp. Mỗi quả mãng cầu na trọng lượng bình quân từ 500-600g, quả to có thể đạt 1-1,2 kg/quả. Sau khi thu hoạch khoảng 5-7 ngày, quả mới chín do đó rất thuận lợi cho việc vận chuyển đi xa. Cây có khả năng cho quả quanh năm nên rất dễ rải vụ. Chưa kể, giống mãng cầu na này có thể kéo dài thời  gian bảo quản từ 4-7 ngày và khả năng kháng bệnh rất tốt. Vụ Mùa năm 2018, ước tính sản lượng vườn mãng cầu na đạt 30 tấn/ha/vụ, với giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, trừ các chi phí đầu tư, lợi nhuận mang lại là trên 1 tỷ đồng/vụ /ha.

Ông Đặng Trọng Dũng, Phó Trạm trưởng kiêm phụ trách Trạm Khuyến nông Định Quán cho biết, trên địa bàn huyện hiện nay, diện tích đất trồng cây ăn trái trên 10.000 ha, trong đó cây xoài và cây có múi là hai loại cây ăn trái có diện tích lớn nhất. Trong vài năm gần đây, nông dân gặp nhiều khó khăn do cây xoài khó xử lý ra hoa trái vụ và cây điều bị mất mùa vì ảnh hưởng bất thường của thời tiết, một số loại cây ăn trái khác giá cả bấp bênh. Vì vậy, một số nông dân đã quyết định chuyển sang trồng một số loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó, mô hình trồng na hạt lép Kim Mai hiện nay cho thu nhập cao hơn hẳn nhiều cây trồng khác tại thời điểm hiện nay. Qua bốn năm theo dõi, vườn mãng cầu na của bà Kim Mai luôn cho thu hoạch và năng suất ổn định, chất lượng trái đảm bảo nhờ chủ vườn áp dụng tốt kỹ thuật canh tác theo hướng an toàn như sử dụng ít phân hóa học, bón phân cân đối, tiến hành bao trái kết hợp với phân hữu cơ ủ hoai mục trong quá trình chăm sóc nên hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm mãng cầu na hạt lép Kim Mai được người tiêu dùng ưa chuộng và được cửa hàng Bách Hóa Xanh bao tiêu sản phẩm nhưng do diện tích quá ít không đủ để cung cấp.

Phát biểu tại hội thảo, ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Nai khẳng định, giống mãng cầu na hạt lép Kim Mai là giống cây ăn trái có giá trị kinh tế cao cần được nhân rộng ra sản xuất trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đồng bộ trong canh tác để từng bước khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, giúp phát triển trái mãng cầu na hạt lép Kim Mai thành vùng nguyên liệu. Các địa phương quan tâm chỉ đạo xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm cho mãng cầu na hạt lép Kim Mai gắn với chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị cho trái cây đặc sản của tỉnh.

Trọng Toàn

TTKN Đồng Nai