Ưu, nhược điểm của phương pháp gieo sạ và hiệu ứng hàng biên

Những năm 2007, bà con đã được tiếp cận với biện pháp gieo sạ bằng công cụ sạ hàng thông qua cầu nối khuyến nông. Trước đó, gieo thẳng được bà con biết đến với hình thức gieo vãi bằng tay, rồi được phát triển mở rộng quy mô diện tích ở tất cả các địa phương trong toàn tỉnh từ khi bà con được tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công cụ gieo sạ lúa. Được biết, được hiểu và thấy hiệu quả, bà con nhiệt tình đón nhận, áp dụng mạnh mẽ, thể hiện ở diện tích gieo thẳng tăng nhanh qua các năm. Diện tích được mở rộng như vậy là nhờ những hiệu quả của gieo thẳng đã thuyết phục nông dân bởi tính ưu việt như rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa từ 5-7 ngày, lại cho lợi nhuận cao hơn lúa cấy 7 triệu đồng/ha. Đồng thời giảm nhân công lao động khoảng hơn 100.000 đồng/sào (một người kéo giàn sạ để gieo bằng công 40 người cấy/1 ngày); Giảm lượng phân bón urê 2kg/sào và giá thành sản xuất giảm so với lúa cấy. Bên cạnh đó, gieo thẳng giúp kịp thời vụ, giảm chi phí đầu tư và tăng thu nhập cho nông dân.

Ngoài những ưu điểm như trên, qua thực tế cho thấy phương pháp gieo thẳng lúa còn một số hạn chế như việc lạm dụng thuốc trừ cỏ đối với chân đất cốt cao; lạm dụng thuốc trừ ốc bươu vàng ở chân ruộng trũng; mất nhiều công tỉa dặm với những diện tích gieo dày, khiến mật độ cây khi mọc có thể lên tới 200-400 cây/m2, dẫn đến tình trạng lúa quá dầy, sâu bệnh nhiều, dễ đổ ngã, hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên, gieo thẳng lúa vẫn được áp dụng mạnh mẽ không “cưỡng” lại được, và là sự lựa chọn tối ưu trong điều kiện thiếu lao động nông nghiệp trầm trọng như hiện nay.

Bên cạnh phương pháp gieo sạ, một số địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đang áp dụng phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên (hay còn gọi là cấy hàng rộng hàng hẹp). Nhờ ưu điểm cấy thưa, cây lúa hấp thụ ánh sáng trực tiếp tới phần dưới của cây, giúp cây lúa cứng, sinh trưởng phát triển mạnh, đẻ nhánh khoẻ, tập trung, chống chịu sâu bệnh tốt hơn so với lúa cấy theo phương pháp truyền thống, năng suất đạt 6,4 tấn/ha. Phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên cấy theo công thức 40-20-22, cho khoảng cách thưa, nên ruộng lúa thông thoáng, giúp giảm đáng kể bệnh hại, đặc biệt là bệnh khô vằn và rầy, nông dân không mất chi phí nhiều về thuốc bảo vệ thực vật. Ruộng thông thoáng cũng giúp hạn chế chuột hại và nông dân không phải quây nilon, đánh bẫy diệt chuột cuối vụ. Cấy lúa thưa, thông thoáng giúp cây quang hợp tốt, đẻ nhánh khoẻ, bông to, tỷ lệ hạt chắc cao, năng suất tăng từ 5- 10%. Ngoài ra, cấy lúa hiệu ứng hàng biên giảm công lao động, giảm chi phí đầu tư, giảm lượng thuốc trừ sâu, giúp tăng năng suất, lợi nhuận cao hơn lúa cấy, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phương pháp này đang được áp dụng ở một số địa phương và được bà con cấy nhiều nhất tại các xã: An Mỹ, Đồn Xá, Trung Lương, Mỹ Thọ, An Nội, An Lão… (huyện Bình Lục).

Tuy nhiên phương pháp này cũng có những hạn chế, đó là nếu không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật thì ở hàng rộng (hàng sông) sẽ bị cỏ mọc xâm lấn, khiến số dảnh lúa/khóm không đạt so với yêu cầu; khi tiến hành cấy phải giăng dây hai đầu theo hàng rộng và hẹp, bắt buộc phải có 2 người cấy từ hai phía, đặc biệt người cấy sẽ bị cuồng chân.

Kết hợp phương pháp gieo thẳng và hiệu ứng hàng biên

Xuất phát từ những ưu, nhược điểm của phương pháp gieo thẳng và hiệu ứng hàng biên, Trung tâm Khuyến nông Hà Nam đã nghiên cứu việc kết hợp những ưu điểm của của hai phương pháp này, nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa. Ý tưởng được bắt đầu từ năm 2019, và năm 2020 này, Trung tâm Khuyến nông Hà Nam xây dựng mô hình gieo thẳng lúa bằng công cụ sạ hàng ứng dụng hiệu ứng hàng biên tại xã Tiên Tân (TP. Phủ Lý) và Ngọc Sơn (huyện Kim Bảng).

Năm 2020, TTKN Hà Nam xây dựng mô hình gieo thẳng lúa bằng công cụ sạ hàng ứng dụng hiệu ứng hàng biên tại xã Tiên Tân (TP. Phủ Lý) và Thanh Sơn (huyện Kim Bảng).

Phương pháp này áp dụng dựa trên việc điều chỉnh khoảng cách hàng rộng, hàng hẹp của công cụ gieo sạ theo tiêu chí như cấy lúa hiệu ứng hàng biên. Với phương pháp này sẽ giúp nông dân giảm đáng kể chi phí về giống, nâng cao hiệu quả kinh tế rõ rệt với phương pháp gieo vãi bằng tay, để góp phần nâng cao nhận thức của người dân về khả năng tự điều chỉnh quần thể của cây lúa khi gieo thẳng (thưa đẻ nhánh nhiều, dầy đẻ nhánh ít). Từ đó, giúp người nông dân giảm lượng giống gieo, giảm sâu bệnh hại và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Khi áp dụng phương pháp gieo thẳng ứng dụng hàng biên, lượng giống gieo giảm xuống còn: từ 0,7 – 1,0 kg/sào đối với lúa thuần, 0,6 - 0,7 kg/sào đối với lúa lai. Lưu ý khi ngâm mộng nên để mộng dài tối đa bằng 1/2 chiều dài hạt thóc; phải để khô nước rũ tơi trư­ớc khi đổ mộng thóc vào công cụ gieo.

Các địa phương có thể tìm mua công cụ gieo sạ điều chỉnh khoảng cách hàng rộng hàng hẹp như cấy lúa hiệu ứng hàng biên. Hoặc bà con ở các địa phương có thể chỉnh sửa công cụ gieo sạ truyền thống của mình bằng cách: tiến hành bịt một số hàng lỗ để đảm bảo kích thước gieo hiệu ứng hàng biên. Cụ thể điều chỉnh khoảng cách các trống như sơ đồ sau:  

Bịt hoàn toàn hàng lỗ số 3, 6, 9 để đảm bảo khoảng cách:

Hàng hẹp: hàng x hàng = 17 cm.

Hàng rộng: hàng x hàng = 35 cm.

Để sử dụng hiệu quả phương pháp gieo sạ bằng công cụ sạ hàng hiệu ứng hàng biên, bà con cần lưu ý thao tác đổ mộng đều vào các hộp đựng thóc của công cụ gieo sạ, khoá nắp hộp, chú ý chỉ đổ đầy 1/2 hộp, nếu quá đầy khi kéo, thóc không lăn ra ngoài được. Lúc gieo phải kéo đều tay để thóc chảy đều theo hàng. Khi hết vòng, quay lại phải đặt một bánh xe trùng lên vết bánh cũ. Thường xuyên theo dõi lượng hạt rơi xuống ruộng để điều chỉnh mật độ thưa, dày hoặc khả năng tắc nghẽn mộng trong các trống. Đặc biệt không để mộng dài > 0,5cm, mộng sẽ khó lọt qua các lỗ, khi gieo hay bị tắc, mật độ gieo không đảm bảo. Cần phải thực hiện chu đáo các điều kiện để tiến hành gieo thẳng được tốt. Các khâu chăm sóc khác như phun thuốc trừ cỏ, bón phân, tưới nước,… thực hiện như gieo thẳng thông thường.

Mai Huê

Trung tâm Khuyến nông Hà Nam