Trong khâu tách vỏ quả mắc ca, người dân chủ yếu dùng phương pháp thủ công là dùng dụng cụ cầm tay để đập tách vỏ quả; năng suất lao động thấp, khoảng 140-160 kg quả/ngày. Hiện nay tại Lâm Đồng đã có cơ sở sản xuất máy tách vỏ quả mắc ca, năng suất đạt 100 kg quả/giờ, góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí trong quá trình sản xuất mắc ca.

Trên cở sở nhu cầu của người dân, năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã triển khai mô hình máy tách vỏ quả mắc ca với quy mô 3 máy/3 hộ ở xã Tân Hà - huyện Lâm Hà. Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 75% kinh phí  mua máy để thực hiện mô hình, nông hộ đóng góp 25%. Nông hộ tham gia mô hình và người dân quanh vùng được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật vận hành máy và phương pháp thu hoạch, bảo quản hạt mắc ca.

Máy tách vỏ quả mắc ca sử dụng nguồn điện 220v, động cơ 2 mã lực; cách vận hành máy đơn giản, phù hợp với trình độ của người dân. Khi hoạt động, phần vỏ quả sau khi bị chà xát, vỏ quả tách khỏi hạt, rơi ra máng chứa vỏ phía sau máy (đối diện phần máng đựng hạt); hạt và một phần vỏ sẽ cho xuống máng đựng hạt. Hạt to và hạt trung bình rơi xuống máng 1,2 (tính từ phễu chứa nguyên liệu quả); hạt nhỏ và một phần vỏ quả rơi xuống máng thứ 3. Hạt sau khi được tách vỏ sẽ được lựa sạch hết phần vỏ quả, phơi hạt trong râm mát, thoáng gió, không được phơi hạt ngoài nắng.

Máy tách vỏ quả mắc ca vận hành tốt, đạt yêu cầu. Tỷ lệ vỡ hạt 3%, tỷ lệ sót vỏ 9% (một số hạt có vỏ quả chưa tách hết hoàn toàn). Nông hộ đã vận hành máy hoạt động an toàn hiệu quả, giảm được công lao động, chi phí tách vỏ quả bằng máy thấp hơn tách vỏ quả bằng phương pháp thủ công; năng suất lao động cao hơn khoảng 6 lần.

Ngoài ra, nông hộ đã thực hiện việc thu hoạch quả, phơi hạt mắc ca (phơi hạt trong mát, thoáng gió; không được phơi ngoài nắng) theo hướng dẫn nên đảm bảo chất lượng hạt, nhân theo yêu cầu sản phẩm.

Vận hành máy tách vỏ hạt mắc ca

Nhìn chung máy đáp ứng nhu cầu của nông hộ trong khâu tách vỏ quả mắc ca. Tuy nhiên máy vẫn còn hạn chế là hạt bị xước vỏ, nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng, mẫu mã nhân bên trong; do kích cỡ quả mắc ca không đồng đều (có giống quả lớn gần gấp đôi) nên vẫn phải phân loại quả và chia làm 2 đợt tách vỏ quả.

Anh Nguyễn Hữu Việt, tham gia mô hình ở thôn Phúc Thọ - xã Tân Hà cho biết: “Những năm trước, cây mắc ca mới cho thu hoạch quả, sản lượng mắc ca thấp thì gia đình tách vỏ quả bằng phương pháp thủ công đập bằng tay. Năm 2016 sản lượng hạt khoảng 2,1 tấn hạt (hơn 4 tấn quả/200 cây - cây mắc ca trồng năm 2009 và 2010, trồng xen trong vườn cà phê). Từ khi có máy tách vỏ, giảm được rất nhiều công lao động. Máy hoạt động đáp ứng nhu cầu của khâu sau thu hoạch, các chỉ tiêu đều đạt yêu cầu. Tuy nhiên có một số giống quả to hơn (giống 900) thì phải để tách riêng, vì nếu để tách chung sẽ bị vỡ hạt. Hiện nay trong vùng, một số bà con có diện tích trồng mắc ca trên 1 ha đến tham quan thấy máy hoạt động hiệu quả nên có nhu cầu sử dụng loại máy này”.

Hộ ông Nguyễn Văn Tuấn (nông hộ ngoài mô hình) ở thôn Phúc Hưng -xã Tân Hà trồng khoảng 200 cây mắc ca xen trong vườn cà phê, sản lượng khoảng 1 tấn hạt, cho biết: “Sau khi trực tiếp xem máy vận hành, thấy được hiệu quả của máy, tôi mong rằng Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục triển khai hỗ trợ mô hình máy tách vỏ quả mắc ca cho bà con”.

Mô hình máy tách vỏ quả mắc ca đã đáp ứng yêu cầu của khâu tách vỏ quả mắc ca. Tuy nhiên đây là máy sản xuất đời đầu, cần tiếp tục hoàn thiện hơn để phục vụ tốt nhu cầu trong khâu sau thu hoạch quả mắc ca của người sản xuất mắc ca ở Lâm Đồng nói riêng, Việt Nam nói chung. Hiện nay, tại Lâm Đồng có Công ty Mắc ca Việt ở huyện Di Linh, Công ty TNHH cơ khí nông nghiệp Thanh Trị ở huyện Đức Trọng nghiên cứu sản xuất máy tách vỏ quả mắc ca. Sự tiên phong của hai cơ sở trên góp phần để Lâm Đồng từng bước đi đầu trong sản xuất mắc ca ở Việt Nam.

Nguyễn Văn Diện

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng