Mô hình được triển khai tại HTX Thanh Sơn, thôn Phú Ngạn, xã Cam Thanh có 47 hộ tham gia với diện tích 10,68 ha. Tham gia mô hình các hộ đã được hỗ trợ 100% giống lạc L14 đảm bảo phẩm cấp và chế phẩm vi sinh, 30% phân bón nhả chậm và một phần kinh phí để mua máy gieo lạc.

Lạc là cây cần nhiều dinh dưỡng nhưng có thời gian sinh trưởng ngắn và phân hóa mầm hoa sớm nên cần bón phối hợp phân vô cơ phân hữu cơ, bón sớm và tập trung. Theo kỹ sư Dương Hồng Phong cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết lượng phân bón mà chương trình áp dụng cho 1ha lạc là: Phân hữu cơ: 6-10 tấn; Đạm urê hạt vàng 46a+: 65kg; phân Lân lâm thao: 600kg; phân Kali clorua: 160kg; Vôi bột: 500kg; chế phẩm Trichoderma: 10kg. Toàn bộ lượng phân này sẽ chia làn 2 đợt bón chính là bón lót và bón thúc. Giai đoạn bón lót: Toàn bộ lượng phân hữu cơ, phân lân, 70% vôi và 70% phân đạm. Sau khi rạch hàng, phân hóa học được trộn đều vào hàng đã rach sẵn (hàng rạch sâu 10-15 cm), phân hữu cơ bón sau cùng. Lấp một lớp đất dày 2-3cm lên trên phân sau khi bón lót để khi gieo hạt không bị tiếp xúc vào phân; Giai đoạn bón thúc chia làm 2 lần: (i) lần 1: Giai đoạn lạc có 3-4 lá thật với 30% lượng đạm còn lại và 50% Kali, bón phân cách gốc 6-8cm, bỏ phân rồi lấp đất kết hợp làm cỏ lần 1; (ii) lần 2: Bón lúc hoa tàn đợt một, 50% lượng Kali và 30% lượng vôi còn lại. Vôi bón sát gốc vào lúc lạc đâm tia, vì canxi không di động trong cây nên bón vôi trực tiếp vào gốc là tốt nhất.

Ngoài ra kỹ sư Dương Hồng Phong còn cho biết, để lạc sinh trưởng và phát triển tốt cần làm tốt công tác tỉa dặm, xới xáo, làm cỏ: khi lạc có 2 lá thật nên tỉa dặm để đảm bảo mật độ; khi lạc có 3-5 lá thật: nhổ cỏ, xới xáo đất, kết hợp bón thúc; khi lạc có 9 lá thật, lạc bắt đầu ra hoa thì cuốc cỏ xới sâu 5-6 cm gần gốc; khi hoa đợt một tàn: bón phân, vôi còn lại, kết hợp vun gốc cho lạc.

Ông Nguyễn Đình Lợi ở thôn Phú Ngạn, xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ có 6 sào (500m2/sào) đất màu tại xứ đồng Chăm. Vụ Đông Xuân năm nay gia đình ông Lợi tham gia vào mô hình với diện tích 3 sào. Do vùng ruộng Chăm có tính chất đất bùn sét, độ thoáng khí kém, nắng thì khô cứng nên cây trồng thường bị thiếu nước. Lạc được trồng trên luống có độ cao 15- 20 cm, mặt luống rộng 1,2 - 1,5 m, rãnh 30 cm, mặt luống được chia thành 4 - 5 hàng chạy dọc theo chiều dài luống, bố trí gieo trồng với khoảng cách 22cm x 10cm x 1 hạt/hốc (45 cây/m2), độ sâu khi lấp hạt là không quá 6 cm. Trong quá trình gieo cấy lạc đã ứng dụng cơ giới hóa bằng máy gieo hạt MGH-1.

Gặp chúng tôi trên ruộng lạc, ông Lợi vui vẻ cho biết nhờ tham gia mô hình bản thân ông cũng như các hộ dân đã đã nắm bắt được các kỹ thuật mới như: sử dụng chế phẩm trichoderma nhằm gia tăng lượng vi sinh vật có ích trong đất, cải tạo đất; sử dụng đạm urê hạt vàng 46a+ thay thế urê thông thường nhằm giảm thất thoát phân bón và tăng hiệu quả sử dụng phân cho cây lạc.

Ông Lợi chia se niềm vui được mùa

“Bao nhiêu năm, nay mới thấy đồng Chăm có vụ lạc khá. Tôi rất vui sướng vì kết quả trên ruộng lạc mô hình, năng suất và chất lượng lạc đều cao hơn so với trồng đại trà. Với 3 sào lạc trong chương trình này sẽ cho tôi thu nhập cao hơn 1.500.000 đồng so với 3 sào tôi trồng bên ngoài mô hình”, ông Lợi nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Oai - Phó Giám đốc HTX Thanh Sơn, xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ chi biết: “Việc triển khai mô hình trồng lạc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo hướng hàng hóa tại thôn Phú Ngạn đã đạt được kết quả rất khả quan, đặc biệt là việc nâng cao mật độ cây lạc một cách hợp lý và sử dụng hệ thống tưới đã đảm bảo năng suất cũng như hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Năng suất của ruộng lạc mô hình đạt 25 tạ/ha, cao hơn ruộng đại trà 3 tạ/ha. Đây là nguồn giống tốt để phục vụ cho các vụ sản xuất tiếp theo”.

Việc triển khai mô hình trồng lạc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm đã mang lại hiệu quả về kinh tế và xã hội so với sản xuất truyền thống. Việc thực hiện phun chế phẩm sinh học Tricoderma xử lý trước khi gieo đã làm tăng thêm độ phì cho đất, hạn chế các loại sâu bệnh hại cho cây; Áp dụng phương thức gieo bằng công cụ gieo sạ đã tiết kiệm giống, công lao động, làm cho cây lạc có mật độ đều hơn, cây thông thoáng, cây khỏe dễ chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh; Có nước tưới nên lạc được cung cấp đầy đủ nước trong các giai đoạn sinh trưởng, phát triển; Năng suất và sản lượng lạc trong mô hình đều cao hơn ruộng đại trà, ruộng mô hình cho lợi nhuận cao hơn ruộng đại trà từ 8 đến 10 triệu đồng/ha. Ngoài ra đã nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong sản xuất.

Phan Việt Toàn

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị