Sachi là loại cây trồng mới, lần đầu tiên được huyện đưa vào trồng. Dù mới thử nghiệm nhưng cây sachi được bà con các địa phương đánh giá là phù hợp với khí hậu, đất đai vùng đồi núi nên cây sinh trưởng phát triển tốt và bước đầu đang cho thu hoạch.

Tham quan mô hình trồng cây sachi tại hộ ông Nguyễn Tiến Mừng ở xóm Bãi Nai, xã Mông Hóa, là một trong những người tiên phong trồng sachi cho biết: Từ mảnh đất trồng mía hàng năm không hiệu quả, ông đã mạnh dạn chuyển đổi để tham gia mô hình và được Công ty cổ phần Inchi (công ty) hỗ trợ đầu tư trồng 200 cây giống sachi trên diện tích 1.000m2 vào tháng 4/2017. Trước khi trồng, gia đình ông và 3 hộ khác tham gia mô hình được công ty hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh….

Ông Nguyễn Tiến Mừng chăm sóc vườn cây sachi

Sau 6 – 8 tháng trồng, cây sachi đã ra hoa và đậu quả. Đến nay, gia đình ông Mừng đã thu được 70 kg quả khô và 30kg lá. Toàn bộ sản phẩm được Công ty thu mua với giá 30.000 đồng/kg quả khô, 50.000 đồng/kg hạt được tách từ quả, 10.000 đồng/kg lá tươi và 35.000/kg lá khô. Bên cạnh cây nghệ đỏ trồng xen với cây sachi cũng đang cho thu hoạch.

Gia đình cô Nguyễn Thị Hương, xóm Bãi Nai tham gia mô hình với diện tích 500m2. Cô cho biết, cây sachi dễ trồng, dễ chăm sóc và chưa thấy có hiện tượng sâu bệnh. Đến giờ gia đình cô thu được 20kg quả khô. Sản phẩm làm ra được công ty bao tiêu nên bước đầu cũng thấy yên tâm. Đây là cây trồng một lần cho thu 15 – 20 năm và sản lượng cũng tăng theo các năm.

Sachi được coi là loại cây đa công dụng, tất cả các bộ phận của cây từ hạt, thân, lá, rễ đều được sử dụng để chế biến nhiều loại thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm khác nhau. Nhờ những dưỡng chất có giá trị dinh dưỡng cao nên 2 năm trở lại đây, cây sachi được nhân rộng ra các huyện Lương Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi, Tân Lạc và TP Hòa Bình. Đến nay, vùng nguyên liệu của Công ty đã được mở rộng lên 100 ha với 50 ha đang cho thu hoạch.

Chị Phạm Huyền Liễu – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện Kỳ Sơn đánh giá: Sachi là cây trồng rất có tiềm năng. Dự án chuỗi sản xuất tiêu thụ sachi xen nghệ đỏ năm thứ nhất cho các hộ thu nhập trên 70 triệu đồng/ha. Năm thứ hai thu trên 200 triệu đồng/ha. So sánh với các cây trồng phổ biến tại địa phương như: lúa, ngô, mía…thì trồng sachi xen nghệ đỏ cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Việc phát triển trồng cây sachi góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Thành công bước đầu của cây sachi đang mở ra một hướng đi mới cho ngành nông nghiệp huyện Kỳ Sơn, đó là liên kết sản xuất theo chuỗi an toàn./.

Đình Thủy

Trung tâm khuyến nông Hòa Bình