Sáng 18/02/2022 Viện lúa ĐBSCL, đã tổ chức “Hội thảo đánh giá giống lúa và tham quan ruộng trình diễn máy gieo sạ lúa theo hàng mật độ thấp vụ đông xuân 2021 – 2022”. Hội thảo nhằm giới thiệu, đánh giá và chọn lọc những giống lúa mới có đặc tính vượt trội, đẩy mạnh phát triển sản xuất, bổ sung vào cơ cấu sản xuất lúa vùng ĐBSCL và một số vùng lân cận. Hội thảo cũng nhằm giới thiệu hình thức sạ lúa theo hàng mật độ thấp bằng máy gieo hạt APV do IRRI hỗ trợ.

Tham gia giới thiệu lần này, Viện lúa ĐBSCL đã cho trình diễn 35 giống lúa, bao gồm: 09 giống lúa đã được công nhận lưu hành; 02 giống lúa đã được công nhận sản xuất thử (đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận lưu hành); 09 giống lúa được công nhận chính thức; 02 giống lúa đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận lưu hành; 13 giống lúa đã hoặc đang được khảo nghiệm quốc gia.

Toàn cảnh hội thảo

Theo kết quả đánh giá giống lúa trên đồng ruộng: Giống lúa OM344 được đánh giá cao nhất, với tỉ lệ 41,4%. Kế đến, là các giống: OM341 (35%); OM468 (29,9%); OM18 (29,3%) và OM34 (24,8%).

Giống lúa OM344 (Thiên Châu 16) có nguồn gốc từ tổ hợp lai CK2003/OM2008. Thời gian sinh trưởng: 95 - 100 ngày; chiều cao cây: 100 - 110 cm, độ cứng cây: cấp 1, khả năng đẻ nhánh tốt, số bông/m2: 280 - 340 bông/m2, số hạt chắc/bông: 80 - 120 hạt, khối lượng 1.000 hạt: 24 - 26 gam. Tiềm năng năng suất: 6 - 8 tấn/ha.

Phẩm chất hạt: Tỷ lệ gạo nguyên: 43 - 58%; tỷ lệ bạc bụng: < 1%, chiều dài hạt: 6,6 - 7 mm, tỷ lệ D/R: 2,9 - 3,2. Độ trở hồ: cấp 2 - 4; Độ bền gel: 90 -100 mm, hàm lượng amylose: 15 - 16%. Hạt gạo đẹp, trắng, trong, cơm mềm, ngọt và ngon.

Tính chống chịu: Phản ứng với đạo ôn (cấp 5) và rầy nâu (cấp 5) trong điều kiện thanh lọc nhân tạo.

Giống lúa thích hợp cho cả vụ hè thu và đông xuân ở các tỉnh ĐBSCL. Giống lúa đã được công nhận lưu hành theo quyết định số 278/QĐ-TTVPPN, ngày 13/11/2020. Giống lúa đã được ủy quyền khai thác cho Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam sản xuất và kinh doanh hạt giống lúa.

Theo kết quả đánh giá phẩm chất gạo – cơm: Giống lúa OM8 được đánh giá cao nhất, với tỉ lệ 81,8%. Kế đến là các giống lúa: 0M48 (63,6%); ST24 (45,5%); OM22 (30,3%) và OM468 (27,2%).

Giống lúa OM8 có thời gian sinh trưởng: 92 - 97 ngày; chiều cao cây 90 - 100 cm, đẻ nhánh tốt, độ cứng cây: cấp 1 - ; số bông/m2: 340 - 370 bông, số hạt chắc/bông: 70 - 80 hạt, khối lượng 1.000 hạt: 27 - 28 gam. Tiềm năng năng suất: 6 - 8 tấn/ha.

Phẩm chất gạo: Tỷ lệ gạo nguyên: 53 - 56%; tỷ lệ bạc bụng: < 1%; chiều dài hạt gạo 7,9 - 8,1 mm; tỷ lệ D/R: 4,2; Độ trở hồ: cấp 7; độ bền gel: 74 - 80 mm; hàm lượng amylose: 16 - 18%. Mặt gạo đẹp, hạt gạo thon rất dài, gạo trong, cơm trắng, thơm đậm vị.

Tính chống chịu: Phản ứng với đạo ôn (cấp 7), với rầy nâu (cấp 5) trong điều kiện thanh lọc nhân tạo, chống chịu mặn khá.

Giống lúa canh tác được các vụ trong năm và thích hợp cho các vùng sinh thái phèn - mặn ở ĐBSCL. Giống lúa đang được khảo nghiệm quốc gia.

Đặc biệt, giống lúa OM 468 đã được bình chọn với tỉ lệ cao cả trên đồng ruộng và phẩm chất gạo – cơm.

Ruộng trình diễn giống lúa OM468 tại Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long

 

Giống lúa OM468 có thời gian sinh trưởng: 87 - 97 ngày; chiều cao cây 95 - 105 cm, đẻ nhánh tốt; độ cứng cây: cấp 1; số bông/m2: 290 - 320 bông, số hạt chắc/bông: 90 - 100 hạt; khối lượng 1.000 hạt: 24 - 25 gam. Tiềm năng năng suất: 5 - 8 tấn/ha.

Phẩm chất gạo: Tỷ lệ gạo nguyên: 50 - 61%; tỷ lệ bạc bụng: 2 - 4%; chiều dài hạt gạo: 6,7 - 6,9 mm; tỷ lệ D/R: 3,4. Độ trở hồ: cấp 1; độ bền gel: 88 - 93 mm; hàm lượng amylose: 16 - 18%. Hạt gạo trong, đẹp, cơm trắng, ngon.

Tính chống chịu: Phản ứng với đạo ôn (cấp 1 - 3) và rầy nâu (cấp 5 - 7) trong điều kiện thanh lọc nhân tạo.

Giống lúa canh tác được 3 vụ trong năm và thích hợp cho các vùng sinh thái ở ĐBSCL. Giống lúa đã được khảo nghiệm quốc gia.

Về máy gieo sạ lúa theo hàng mật độ thấp APV (MDP 40 M1)

Máy gieo sạ APV sản xuất tại Áo và được Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) hỗ trợ Viện lúa ĐBSCL từ vụ đông xuân 2020 - 2021.

Theo báo cáo của Viện lúa ĐBSCL từ kết quả 05 nghiệm thức về mật độ gieo sạ: 30 kg/ha, 50 kg/ha, 70 kg/ha đều được gieo sạ bằng máy APV; 80 kg/ha được gieo sạ bằng công cụ sạ hàng; 180 kg/ha được sạ lan bằng bình phun động cơ.

Trong vụ đông xuân 2020 - 2021, năng suất lúa ở các nghiệm thức chênh lệch không nhiều. Tuy nhiên, các nghiệm thức gieo sạ mật độ thấp từ 30 – 80 kg/ha cho hiệu quả kinh tế cao hơn hình thức sạ lan mật độ cao (180kg/ha) từ 12,4 – 13,8 triệu đồng/ha.

Trong vụ hè thu 2021, năng suất lúa ở các nghiệm thức gieo sạ từ 50 – 80 kg/ha cao hơn năng suất 02 nghiệm thức còn lại (30 kg/ha và 180 kg/ha) từ 8 - 10%. Tuy nhiên, các nghiệm thức gieo sạ mật độ thấp từ 30 – 50 kg/ha cho hiệu quả kinh tế cao hơn hình thức sạ lan mật độ cao (180 kg/ha) từ 5,9 – 6 triệu đồng/ha.

Có thể thấy, ưng dụng cơ giới hóa gieo sạ lúa mật độ thấp giúp giảm giống, tăng chất lượng hạt, tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa. Đồng thời, cơ giới hóa sạ cụm đang là xu thế, được khuyến cáo đưa vào xây dựng mô hình canh tác ở ĐBSCL.

Ngô Văn Đây