Hình ảnh màn hình một số đại biểu tham dự hội thảo trực tuyến

 

Từ hợp tác thỏa thuận giữa Trung tâm KNQG và Công ty CP phân bón Bình Điền về việc phát triển chương trình “Canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long” năm 2020, đến nay chương trình đã thực hiện được 3 vụ và chuẩn bị bước sang vụ thứ 4 (vụ Hè thu 2022).

Qua báo cáo kết quả, chương trình đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp với điều kiện thực tế rất khó khăn về dịch bệnh, nguyên liệu đầu vào tăng, biến đổi khí hậu (xâm nhập mặn…), nhiều chuỗi tiêu thụ nông sản bị đứt gãy...

Kết quả của các mô hình là hiệu quả từ rất nhiều nhóm kỹ thuật tiên tiến trong các khâu chuẩn bị đất; giống; giải pháp canh tác và tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa hiện tại (03 giảm 03 tăng, 01 phải 05 giảm, quản lý dịch hại theo IPM, quản lý nước ướt khô xen kẽ; theo dõi, cập nhật độ mặn qua các trạm quan trắc nước mặn; cơ giới hóa trong canh tác). Ngoài ra, chương trình thực hiện lấy mẫu đất để phân tích các chỉ tiêu về thổ nhưỡng và áp dụng quy trình bón phân Đầu Trâu trên nền tảng quy trình đã áp dụng trong chương trình canh tác lúa thông minh giai đoạn 2016-2017; hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp, trực tuyến… đã góp phần giảm các nguyên liệu, chi phí đầu tư, giảm giá thành, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Vụ đông xuân 2021-2022 vừa qua chương trình triển khai ở 13 tỉnh ĐBSCL với tổng diện tích đã thực hiện 48 ha qua 96 mô hình. So với đối chứng, lượng giống trung bình sử dụng trong mô hình giảm còn 75,7 kg/ha (giảm 32% - tương đương 36 kg/ha); năng suất trung bình đạt 8,56 tấn/ha (lúa tươi), tăng 230 kg/ha; chi phí đầu tư trung bình giảm trên 1 triệu đồng/ha; lợi nhuận tăng trên 13% ,tương đương trên 3,3 triệu đồng/ha. Cá biệt có những mô hình năng suất tăng 1,3 tấn/ha, tăng khoảng 10 triệu đồng/ha so với đối chứng.

Chương trình đã giúp bà con nông dân, HTX tham gia mô hình cũng như ngoài mô hình tiếp cận và học hỏi nhiều giải pháp canh tác hiệu quả; góp phần từng bước xây dựng các nhóm nông dân giỏi, mạnh dạn áp dụng giải pháp canh tác mới và là cầu nối để chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa tại các địa phương.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc TTKNQG đánh giá rất cao sự phối hợp của Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền, với những kết quả đã được khẳng định, đang tiến đến hoàn thiện quy trình sản xuất lúa thông minh. Ông đề nghị phía Công ty Phân bón Bình Điền, cùng các chuyên gia tổng hợp và đưa ra được quy trình chuẩn “Canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, đề nghị Cục Trồng trọt công nhận quy trình này như tiến bộ kỹ thuật mới. Từ đó, TTKNQG khuyến cáo, triển khai rộng rãi nhiều hơn quy trình canh tác này, xem đây là một trong những hoạt động của TTKNQG sẽ triển khai tại Sự kiện “Agritechnica Asia Live” tổ chức tại TP. Cần Thơ (dự kiến tháng 8/2022). Mô hình trong chương trình này sẽ làm triển lãm trong sự kiện trên. TTKNQG cam kết,tiếp tục đồng hành cùng Công ty Cổ phần Bình Điền để triển khai rộng rãi mô hình này sau khi Quy trình sản xuất lúa thông minh được Cục Trồng trọt công nhận./.

 

Nông dân thăm mô hình Canh tác lúa thông minh tại Sóc Trăng

Nguyễn Tuyết Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia