Bà Thắm cho biết: Khác với mô hình nuôi cá truyền thống, ưu điểm lớn nhất của công nghệ này là thu hồi, xử lý được chất thải sau nhiều vụ nuôi; diện tích bể nuôi chỉ bằng 1/20 diện tích ao nên rất thuận tiện trong khâu chăm sóc, quản lý và thu hoạch.

Ao nuôi thiết kế các máy bơm chuyên dụng tạo ra các “dòng sông nhỏ” chảy liên tục trong ao, giúp gom chất thải xuống bể lắng cho máy hút dọn mỗi ngày, bảo đảm môi trường nước ao nuôi luôn sạch, sau một vụ nuôi không cần phải nạo vét ao vì hầu như không có chất thải. Lượng phân cá sau khi hút lên được đóng bánh và phơi khô, là nguồn phân hữu cơ rất giàu dinh dưỡng cho cây trồng. Toàn bộ hệ thống đường di chuyển xung quanh ao được bê tông hóa, bảo đảm khi trời mưa, nước mưa không mang theo đất cát bẩn xuống làm ô nhiễm ao nuôi, đồng thời, thuận lợi khi vận chuyển cá giống, thức ăn hay xuất bán.

Ao nuôi thiết kế các máy bơm chuyên dụng tạo ra các dòng chảy liên tục trong ao

Để tạo ra loại cá thương phẩm chất lượng cao, ngoài yếu tố môi trường, các khâu trong quy trình nuôi cũng được kiểm soát nghiêm ngặt, từ con giống, thức ăn, cách cho ăn… Đầu tiên là chọn giống, những con cá giống tốt được nuôi và chọn lọc ngay trong trang trại, sau đó được chuyển sang các ao nuôi thương phẩm. Nguồn thức ăn cho cá là thức ăn công nghiệp sạch, kết hợp với men tiêu hóa và vitamin C. Trong quá trình nuôi không sử dụng kháng sinh và hóa chất. Ngoài ra, cá được theo dõi thường xuyên để kiểm soát dịch bệnh và lấy mẫu để kiểm tra chất lượng từ khi nuôi tới khi xuất bán. Hiện nay, sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt trên một số siêu thị và nhà hàng lớn trên cả nước.

Theo bà Thắm, nhờ nuôi cá theo công nghệ của Mỹ, nước ao luôn sạch, cá nuôi không tiếp xúc với bùn nên bụng cá không có màng đen gây mùi tanh hôi, thịt cá thơm ngon, chắc thịt do cá luôn phải “vận động thể thao” theo dòng chảy của nước. Việc nuôi theo quy trình này không những giảm chi phí nuôi, giảm nhân công chăm sóc, rút ngắn thời gian nuôi, cá nhanh lớn, sản lượng đều. Hiện các ao của Hợp tác xã đang thả nuôi các loại cá nước ngọt như: chép, trắm, diêu hồng, rô phi, trôi, mè... với mật độ khoảng 200 con/m2, gấp 3-5 lần nuôi theo hình thức truyền thống. Lợi nhuận trung bình đạt 400 triệu đồng/bể nuôi/năm.

Nuôi theo mô hình "sông trong ao" cá được nuôi thả liên tục, thường xuyên, tạo ra các sản phẩm an toàn và sạch, đồng thời giúp xóa bỏ tập quán làm ăn nhỏ lẻ của người dân, hướng tới sản xuất bền vững.

Nguyễn Quảng Bình

          Trung tâm Khuyến nông Quốc gia