Trong những ngày vừa qua; từ 28/1 đến ngày 17 tháng 2 năm 2022 tại các tỉnh phía Bắc; đã ảnh hưởng các đợt không khí lạnh kéo dài, nhiệt độ liên tục giữ ở mức nhiệt thấp, từ 10-15oC ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất trong vụ Xuân.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, từ 18/2 đến đầu tháng 3 không khí lạnh tiếp tục tăng cường mạnh gây ra rét đậm, rét hại kéo dài. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến 8-11 độ; vùng núi 5-7 độ; vùng núi cao có nơi dưới 5 độ. Đợt rét đậm, rét hại này có khả năng kéo dài đến khoảng đầu tháng 3. Trước tình hình trên đề nghị các cơ sở sản xuất và nông dân cần áp dụng biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng như sau:

1. Kỹ thuật phòng chống rét cho lúa Xuân

1.1. Kỹ thuật chống rét cho mạ xuân

Với những diện tích mạ đã gieo để chuẩn bị cấy, bà con nông dân cần áp dụng biện pháp kỹ thuật làm vòm nilon che chắn chống rét cho mạ bằng cách làm vòm che nilon cho luống mạ rộng 1,2m, cao 0,5 - 0,7m, chiều dài theo luống mạ. Dùng nilon màu trắng trùm kín luống mạ trên khung vòm.

Ảnh minh họa

Chú ý chăm sóc cây mạ trong thời kỳ rét: duy trì độ ẩm trên mặt luống, tốt nhất là để rãnh có nước và cần kiểm tra độ kín của nilon. Trong thời gian rét đậm kéo dài nếu kiểm tra mạ sinh trưởng phát triển kém bà con có thể dùng 50-70 gam supe lân pha loãng với nước phân chuồng hoai mục để tưới cho 1 m2 mạ nhằm tăng cường phát triển của bộ rễ (tuyệt đối không được tưới phân đạm).

Khi nhiệt độ ngoài trời <15 độ vào kéo dài 2-3 ngày tuyệt đối không nhổ mạ cấy để hạn chế lúa đã cấy chết rét ảnh hưởng đến thời vụ.

1.2. Kỹ thuật chống rét cho diện tích lúa đã gieo, cấy

Với diện tích lúa đã cấy (hoặc gieo thẳng) tại các tỉnh phía Bắc: Cần duy trì lớp nước mặt từ 3 – 5 cm với phương châm là lấy nước làm áo nhằm tăng cường khả năng chống chịu rét, tuyệt đối không được để ruộng khô cạn.

Trong thời gian này tuyệt đối không được bón bổ sung phân đạm, đợi khi thời tiết nắng ấm trở lại thì mới tiến hành chăm sóc như bình thường.

Cần có mạ dự phòng để cấy dặm

2. Kỹ thuật phòng, chống rét cho cây rau, màu

2.1. Kỹ thuật phòng chống rét trong sản xuất cây giống rau

- Sản xuất cây giống rau theo quy trình kỹ thuật sản xuất cây giống rau ứng dụng công nghệ cao: Công nghệ sản xuất cây giống trong khay bầu với giá thể phù hợp, sản xuất trong điều kiện nhà lưới, nhà màng, kết hợp biện pháp tưới phun sương, đủ ẩm, đủ ấm cho cây giống phát triển. 

- Sản xuất cây giống rau màu trong điều kiện đồng ruộng: Trong điều kiện rét đậm kéo dài cần áp dụng biện pháp kỹ thuật làm vòn nilon che chắn chống rét cho cây con. Kỹ thuật làm vòm nilon chống rét cho cây rau màu tương tự như kỹ thuật làm vòm nilon chống rét cho mạ xuân.    

Ảnh minh họa

Chú ý: Chăm sóc cây giống rau, màu trong thời gian nhiệt độ thấp, cần tưới nước, duy trì đủ ẩm 80-90% độ ẩm đất, tuyệt đối không bón đạm. Nếu cây giống sinh trưởng kém có thể bộ sung phân hỗn hợp NPK-13:13:13-TE với nồng độ 0,05% vào thời điểm có nhiệt độ cao nhất trong ngày. Thường xuyên kiểm tra vòm che nilon chánh hiện tượng thủng, rách nilon gió lạnh lùa vào trong luống cây giống.

2.1. Kỹ thuật phòng chống rét cho cây rau, màu

Đảm bảo chế độ nước tưới thích hợp với cây trồng: đối với ngô, hành tỏi, khoai tây, cà chua, dưa chuột… nên dùng phương pháp tưới rãnh bằng cách bơm nước vào rãnh để nước tự ngấm là tốt nhất.

- Sử dụng màng phủ nông nghiệp có tác dụng chống rét, giữ ấm cho cây trồng rất tốt; ngoài ra còn hạn chế cỏ dại, giữ ẩm, tiết kiệm phân bón và nước tưới, hạn chế côn trùng, sâu bệnh gây hại…         

- Áp dụng công nghệ vòm che thấp trong sản xuất rau: dùng thanh tre, nứa hoặc dây thép phi 6-8 làm khung vòm che có chiều rộng từ 2cm, dài 2 - 2,2m đủ làm khung cho luống mạ rộng 1,2m, cao 0,4 - 0,7m, cứ 1,5 - 1,7m chiều dài luống cắm 1 thanh làm vòm khung.        

Sau đó, lấy 1 thanh tre hoặc dây thép dài buộc liên kết các vòm ở phần đỉnh, hai bên hông khung được buộc liên kết bằng thanh dài hoặc nối dây mềm làm toàn bộ khung có kết cấu vững chắc. Dùng nilon màu trắng, mỏng, dai, không bị rách thủng trùm kín luống rau trên khung vòm.      

Ảnh minh họa

Chú ý: trong thời gian nhiệt độ thấp, cần tưới đủ ẩm cho cây rau màu, hạn chế tối đa bổ sung đạm, bổ sung lân và kaly cho cây rau trong thời kỳ này. Cần bấm tỉa, cành nhánh thưa hợp lí, làm bộ tán thông thoáng, cây khỏe, tăng khả năng chống chịu tốt hơn. Khi thời tiết nắng ấm cần mở dần nilon hai bên mép luống.

TT KNQG