Tham dự hội thảo có đại diện Trạm Khuyến nông huyện Tân Hiệp, đại diện UBND xã Thạnh Đông A cùng 50 nông dân tham gia mô hình và ngoài mô hình tại các ấp 7A, 7B, 8A và 8B. Mô hình được thực hiện từ tháng 11/2017 đến tháng 3/2018 và nằm trong kế hoạch của Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang về việc đào tạo 3 giảm 3 tăng (3G3T), 1 phải 5 giảm (1P5G) và xây dựng mô hình trình diễn thuộc Dự án VnSAT năm 2017.

Kết quả thu được giữa ruộng mô hình và ruộng đối chứng như sau: lượng phân bón sử dụng cho ruộng mô hình là 129 kg Ure + 150 kg DAP+ 93,5 kg Kali, thấp hơn rất nhiều so với lượng phân sử dụng ở ruộng đối chứng (150 kg Ure +165 kg DAP + 110 kg Kali + 40 kg NPK (20-20-15); số lần phun thuốc bảo vệ thực vật của ruộng mô hình là 06 lần (thuốc trừ sâu 01 lần) trong khi ruộng đối chứng là 08 lần phun (thuốc trừ sâu 02 lần); tại thời điểm thu hoạch, năng suất của ruộng mô hình là 7.620 kg/ha, thấp hơn 30 kg so với năng suất ruộng đối chứng là 7.650 kg/ha. Mặc dù năng suất thấp hơn ruộng đối chứng nhưng hiệu quả kinh tế của ruộng mô hình vẫn cao hơn do tổng chi phí thấp hơn ruộng đối chứng là 4.918.000 đồng/ha, giá thành sản xuất thấp hơn 635 đồng/kg.

Kết quả thực hiện mô hình cho thấy, việc giảm lượng giống xuống 80 kg/ha là hoàn toàn có thể thực hiện được. Qua đó giúp người dân nơi đây nhận thức rõ hơn về hiệu quả của việc giảm giống và giảm chi phí trong sản xuất lúa, từ đó người dân mạnh dạn và tự tin hơn khi giảm dần lượng giống gieo sạ. Tuy nhiên, vấn đề thời tiết khí hậu, điều kiện đất đai chưa ổn định, mặt bằng đồng ruộng chưa đồng đều, việc bơm tưới tập thể và thủy lợi nội đồng chưa thật tốt cũng gây những khó khăn nhất định trong việc gieo sạ, giảm lượng giống cũng như quản lý nước. Một khó khăn lớn nữa là chưa có doanh nghiệp bao tiêu lúa gạo sạch nên nông dân vẫn còn e ngại và thiếu kiên nhẫn trong việc áp dụng theo quy trình 3G3T.

Để áp dụng tốt giải pháp 3G3T nói riêng và các giải pháp tiên tiến khác nói chung thì cần có sự chung tay của các đơn vị chức năng làm nhiệm vụ quản lý, các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, các ngành chuyên môn tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và quan trọng nhất là người nông dân cần mạnh dạn tham gia các chuỗi sản xuất lúa gạo liên kết cánh đồng lớn theo hướng tập trung và đồng loạt trong sản xuất.

Thu Thủy

Tổ KTKT xã Thạnh Đông A