Các đại biểu tham quan mô hình lạc xuân tại xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên, Lai Châu

Tỉnh Lai Châu có trên 20 nghìn hécta đất sản xuất lúa nước, trong đó mới chỉ có trên 6 nghìn hécta sản xuất một vụ lúa. Trong khoảng 14 nghìn hécta ruộng 01 vụ vẫn còn rất nhiều diện tích chỉ sản xuất một vụ lúa mùa rồi bỏ không. Như vậy, tiềm năng để sản xuất thâm canh tăng vụ trên địa bàn tỉnh còn rất lớn. Vấn đề là phải tìm ra được những đối tượng cây trồng phù hợp cùng với xác định cụ thể khung thời vụ và các biện pháp kỹ thuật để sản xuất vụ xuân đạt hiệu quả trên những chân ruộng này, từ đó khuyến cáo người dân áp dụng.

Tiếp tục thực hiện dự án xác định công thức thâm canh trên đất ruộng một vụ bằng các giống cây chịu hạn tiến bộ tại cánh đồng huyện Tân Uyên, năm 2017 Trung tâm Khuyến nông Lai Châu triển khai mô hình lạc xuân và ngô xuân trên chân ruộng một vụ, quy mô 10 ha (mỗi mô hình 05 ha) cho 59 hộ nông dân tại bản Bút Trên, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên tham gia. Giống được sử dụng trong mô hình là ngô LVN66 và lạc L26. Các hộ nông dân được hỗ trợ 100% chi phí về giống, phân bón, thuốc BVTV, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cụ thể các biện pháp gieo trồng và chăm sóc cây ngô, lạc theo từng giai đoạn sinh trưởng.

Kết quả cho thấy, mặc dù thời tiết vụ xuân diễn biến phức tạp: giai đoạn nảy mầm và cây con, thời tiết khô hạn, ảnh hưởng đến sự nảy mầm và sinh trưởng, phát triển của cây, tuy nhiên cây lạc xuân và ngô xuân vẫn sinh trưởng phát triển khá tốt. Ngô LVN66 có thời gian sinh trưởng 145 ngày, 14 hàng hạt/bắp, 34 hạt/hàng, chiều dài bắp 17 – 18 cm, năng suất bình quân 7 tấn/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư và công lao động cho thu lãi khoảng 21,6 triệu đồng/ha. Giống lạc L26 có thời gian sinh trưởng 145 ngày, 12 quả chắc/cây; tỷ lệ hạt/quả đạt 73%, trọng lượng 100 quả đạt 175 gam, năng suất đạt bình quân 45 tạ/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư và công lao động cho thu lãi khoảng 48,7 triệu đồng/ha.

Tại buổi hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao kết quả đạt được của 02 mô hình lạc xuân và ngô xuân. Kết quả gặt thống kê thực tế tại đồng ruộng cho thấy, giống ngô LVN66 đạt 18,5 kg hạt tươi/16m2 (tương ứng 1,15 kg hạt tươi/1 m2), giống lạc L26 đạt 1,55 kg quả tươi/1m2. Điều đó cho thấy giống ngô LVN66 và lạc L26 có khả năng chịu hạn, rét khá tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu vụ xuân tại địa bàn, cho năng suất cao. Khi gieo trồng trong tháng 01, thu hoạch trong tháng 6 sẽ không ảnh hưởng đến thời vụ gieo cấy lúa vụ mùa. Thực hiện sản xuất ngô xuân, lạc xuân trên chân ruộng một vụ sẽ giúp người dân nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đây sẽ là tiền đề, là cơ sở để các cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Hoàng Văn Cu, hộ nông dân tham gia mô hình cho biết: "Thực hiện trồng lạc xuân và ngô xuân trên chân ruộng một vụ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, người dân đã nắm được các kỹ thuật sản xuất vụ xuân trên chân ruộng một vụ. Chắc chắn từ vụ sau người dân trong bản chúng tôi sẽ thực hiện sản xuất cây lạc, ngô trên đất 1 vụ lúa". Còn ông Ngọ Doãn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Uyên cho biết: Huyện Tân Uyên còn khoảng 1.500 ha đất một vụ lúa, kết quả công thức lạc xuân - lúa mùa và ngô xuân - lúa mùa đạt được sẽ là cơ sở để phòng Nông nghiệp và PTNT tham mưu cho UBND huyện có những chính sách hỗ trợ để phát triển sản xuất cây màu vụ xuân, nhằm phát huy hiệu quả sản xuất, tăng vụ, tăng thu nhập cho người dân tại những chân ruộng này".

Mô hình lạc xuân và ngô xuân trên chân ruộng một vụ đã được Trung tâm Khuyến nông Lai Châu triển khai trong 02 năm 2015, 2016, với quy mô 01 ha/mô hình/năm và đều đạt kết quả tốt. Năm 2015, mô hình lạc xuân đạt năng suất 30 tạ/ha, thu lãi 19,1 triệu đồng/ha; mô hình ngô xuân đạt năng suất 61 tạ/ha, cho thu lãi 16,6 triệu đồng/ha. Năm 2016, mô hình lạc xuân đạt năng suất 36,7 tạ/ha, thu lãi 32,5 triệu đồng/ha; mô hình ngô xuân đạt năng suất 58,5 tạ/ha, cho thu lãi 15,1 triệu đồng/ha.

Như vậy, giống lạc L26 và ngô LVN66 hoàn toàn phù hợp cho sản xuất vụ xuân trên chân ruộng một vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Với diện tích đất một vụ của toàn tỉnh Lai Châu còn rất lớn, khoảng 14 nghìn hécta thì kết quả dự án sẽ mở ra hướng sản xuất thâm canh tăng vụ, tăng thu nhập tại những diện tích này cho người nông dân. Góp phần khai thác tiểm năng về đất của địa phương, nâng cao sản lượng lương thực và phát triển kinh tế nông thôn, từng bước xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới./. 

Hoàng Đình Chinh    

Trung tâm Khuyến nông Lai Châu