Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm chăn nuôi đưa ra thị trường cũng gặp vấn đề về tồn dư hóa chất, kháng sinh, chất tạo nạc độc hại, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Vì vậy, vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học, nhằm hướng tới một nền chăn nuôi an toàn, bền vững, tạo ra các sản phẩm chăn nuôi sạch, chất lượng cao đưa ra thị trường đang là vấn đề cần được ưu tiên.

Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã triển khai thực hiện nhiều mô hình chăn nuôi mang tính chất bền vững, an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường như: Mô hình “Nuôi gà bằng thức ăn lên men sinh học kết hợp với giun quế”, quy mô 2.500 con/3 hộ tại huyện Đức Trọng. Mô hình đã đạt được kết quả tốt với thức ăn chủ yếu là cám bắp ủ men vi sinh hoạt tính, kết hợp với giun quế và bổ sung cỏ xay, rau xanh. Sau 5 tháng nuôi dưỡng, đàn gà đạt tỷ lệ sống 95,3%, trọng lượng gà đến 5 tháng tuổi bình quân là 2,55 kg/con. Ngoài ra, gà được nuôi trên nền đệm lót sinh học nên giảm mùi hôi chuồng trại, hạn chế chất thải chăn nuôi, giảm ô nhiễm môi trường. Sau khi trừ các khoản chi phí con giống, thức ăn, thuốc thú y (chưa tính chi phí điện nước và công chăm sóc),… người dân tham gia mô hình còn thu lãi hơn 141 triệu đồng.

Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm heo (lợn) đặc sản theo hướng an toàn sinh học, quy mô 25 con/5 hộ tham gia, tại huyện Bảo Lâm. Heo được nuôi bằng cám bắp, kết hợp bổ sung rau xanh và giun quế. Sau 3 tháng nuôi, đàn heo đạt tỷ lệ sống 100%, tăng trọng bình quân  đạt 5,48 kg/con/tháng; heo có khả năng chống chịu bệnh cao, dễ nuôi, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu tại huyện Bảo Lâm. Với 8 heo nái đẻ trung bình 5,5 heo con/lứa, một lứa sẽ cho ra 22 heo con, với trọng lượng trung bình 35 kg/con, giá bán 110.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí con giống, thức ăn, thuốc thú y… người dân tham gia mô hình còn thu lãi khoảng 30 triệu đồng/lứa heo.

Từ những kết quả đã đạt được những năm trước đây, bám sát định hướng của ngành nông nghiệp, định hướng của tỉnh, trong năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng xây dựng mô hình “Nuôi gà Lạc Thủy trên nền đệm lót sinh học” với quy mô 1.800 con/5 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Bảo Thuận, huyện Di Linh. Mô hình đang được triển khai theo đúng tiến độ được phê duyệt. Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã giao giống, vật tư cho các nông hộ để thực hiện mô hình. Đến thời điểm hiện tại, đàn gà khỏe mạnh, phát triển tốt, dự kiến trong tháng 9/2019 sẽ hội thảo giới thiệu và nhân rộng mô hình cho bà con nông dân trong vùng đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

Với mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, tạo ra nguồn thực phẩm sạch, chất lượng cao. Trong thời gian tới, ngành chăn nuôi của tỉnh Lâm Đồng cần phải có những thay đổi về mặt chính sách cũng như về khoa học kỹ thuật, cụ thể:

Cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người chăn nuôi đổi mới phương thức chăn nuôi, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô trang trại, theo hướng liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị, hình thành các tổ chức sản xuất của nông dân như câu lạc bộ, hợp tác xã, tổ hợp tác. Xây dựng quy hoạch vùng, liên kết vùng, địa phương chăn nuôi và định hướng phát triển chăn nuôi phù hợp với đặc điểm lợi thế cạnh tranh của từng vùng sinh thái, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của từng loại vật nuôi, đảm bảo phát triển bền vững. Tăng cường công tác tuyên truyền để cung cấp cho nông dân những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phương thức tổ chức sản xuất mới, thông tin về thị trường, giá cả, an toàn thực phẩm, liên kết sản xuất,…; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông thông qua việc xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn, truyền thông để nâng cao năng lực của người sản xuất. Đặc biệt, cần đổi mới công tác khuyến nông theo hướng tăng cường vai trò tư vấn cho nông dân trên nhiều mặt như kỹ thuật sản xuất, tổ chức quản lý sản xuất, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, phương thức tổ chức mới vào chăn nuôi. Chọn những giống thích nghi với biến đổi khí hậu, các giống chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của địa phương, khai thác tốt nhất thế mạnh của vùng. Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hướng hữu cơ tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn, góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế, tạo sự bền vững trong chăn nuôi, góp phần bảo vệ tốt môi sinh thái cũng như sức khoẻ cho người tiêu dùng.       

Xuân Duy

TT Khuyến nông Lâm Đồng