Ngay khi đề án đi vào triển khai thực hiện, đàn bò ở huyện Cát Tiên tăng từ 8.007 con/2.856 hộ lên 9.174 con/3.038 hộ, trong đó bò lai Zebu chiếm trên 90%. Đưa cơ cấu giống bò lai, bò thịt chất lượng cao (lai Zebu) dưới 80% năm 2014 lên 90% năm 2015 và dự kiến đến năm 2020 là trên 90%.

Đề án sẽ thúc đẩy đưa nghề nuôi bò đi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tăng thu nhập cho nông dân. Đây cũng là cách làm để nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng bò và thịt bò, đầu tư công tác lai tạo giống trong thời gian tới, tập trung lai tạo giống bò thịt chất lượng cao, đặc biệt là giống Brahman, giống Drought master, Red Angus, Limousin, Charolaise, giống BBB,...

Theo kế hoạch, ngành chăn nuôi Cát Tiên sẽ sử dụng tinh đông lạnh nội, ngoại nhập các giống bò thịt chất lượng cao như Red Angus, Blanc Blue Belge (BBB) phối giống nhân tạo với bò cái lai Zebu có tỷ lệ máu lai trên 75% để tạo ra bê lai hướng thịt chất lượng cao, tập trung triển khai trên địa bàn các xã chăn nuôi bò trọng điểm như: Phước Cát 1, Đức Phổ, Phước Cát 2, Gia Viễn,… Ngoài ra, còn mở rộng vùng phối giống bổ sung trên địa bàn các xã còn lại như xã Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Nam Ninh, Mỹ Lâm, Tiên Hoàng,… Đồng thời, sử dụng tinh đông lạnh bò Zebu lai cải tạo đàn bò nội, lai cấp tiến bò lai Zebu để nâng tỷ lệ máu lai, tạo đàn cái lai làm nền cho công cuộc lai tạo đàn bò thịt chất lượng cao. Sử dụng tinh đông lạnh bò Drought master phối giống nhân tạo với bò cái nền lai có máu Zebu trên 75% để cho ra bò lai F1 Drought master nuôi thịt và chọn con cái tốt làm giống.

Để làm tốt hiệu quả công tác lai tạo đàn bò, huyện Cát Tiên sẽ thực hiện song song việc đầu tư, nâng cấp hệ thống thụ tinh nhân tạo bò, ít nhất mỗi xã, thị trấn có một thú y viên truyền tinh nhân tạo bò thành thạo. Trong năm 2015, huyện Cát Tiên đã đào tạo thêm 5 thú y viên thực hiện công tác truyền tinh nhân tạo bò, trang bị 01 bình bảo quản tinh. Trong 5 năm tới, huyện sẽ đầu tư trang bị thêm 15 bình chứa nitơ bảo quản tinh (bình công tác) cho hệ thống thú y viên làm công tác truyền tinh nhân tạo trên địa bàn huyện. Ngoài ra, hàng năm đào tạo mới từ 3 - 5 dẫn tinh viên truyền tinh nhân tạo bò cho các địa phương.

Đồng thời, để chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho đàn bò bảo đảm số lượng lẫn chất lượng trong năm 2015, UBND huyện Cát Tiên hỗ trợ nông dân tham gia chăn nuôi bò triển khai trồng khoảng 40ha cỏ giống VA06, cỏ Ghinê các loại,… Phát triển đồng cỏ hỗn hợp năng suất cao phục vụ chăn nuôi bò đạt 500 ha trong năm 2015. Kế hoạch tăng diện tích đồng cỏ đến năm 2020 đạt 1.000 ha, chủ yếu trồng các giống cỏ cao sản như cỏ VA06, Stylo, Ghinê...; tận thu phụ phẩm trong nông nghiệp như rơm rạ, thân cây ngô, ngọn lá mía, thân lá mì, dây đậu các loại… dự trữ làm thức ăn cho bò. Ứng dụng công nghệ chế biến thức ăn thô xanh để nâng cao giá trị dinh dưỡng, khả năng tiêu hóa và hấp thu; bổ sung đạm phi protein cho bò dưới dạng tảng liếm, ủ rơm với urê… Tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người nông dân nhằm hướng dẫn mô hình bảo quản chế biến thức ăn (ủ rơm khô với urê, cỏ xanh với urê) cho gia súc trên địa bàn huyện như phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia súc lớn - Phân Viện Chăn nuôi Nam bộ triển khai 30 mô hình cho nông dân. Trong đó, ủ rơm 15 mô hình, ủ cỏ 15 mô hình, quy mô một mô hình từ 5-7 con bò.

Cùng với việc phát triển đàn bò, hàng năm huyện hỗ trợ từ 1.000 - 1.500 liều tinh đông lạnh các loại và hỗ trợ đầu tư 100 - 150 con bò cái giống lai sinh sản các loại.

Võ Trung Linh 

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cát Tiên, Lâm Đồng