Mô hình sản xuất lúa hữu cơ được cho là phức tạp hơn cả mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, bởi điều kiện về môi trường đất, nước rất khắt khe, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thay vào đó, bà con tận dụng chất thải động vật (phân heo, gà, tằm) ủ cùng tro, trấu để bón cho cây lúa. Việc tận dụng này vừa giúp bảo vệ được môi trường, vừa tiết kiệm được chi phí sản xuất mà hiệu quả kinh tế lại cao.

Sản xuất lúa hữu cơ yêu cầu phải sản xuất liên tục trong 15 tháng (4 vụ liên tục), bắt đầu triển khai từ vụ Mùa năm 2019 (từ tháng 9/2019 - 01/2020), sau mỗi vụ sẽ gửi mẫu đi kiểm tra, giám định các chỉ tiêu. Bước đầu các chỉ tiêu và sản phẩm của vụ Mùa 2019 đạt theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam. Hiện nay, Trung tâm đang tiếp tục gieo trồng vụ Đông Xuân 2019 - 2020 (từ tháng 01- 5/2020). Sản phẩm cuối cùng của vụ thứ 4 đạt tiêu chuẩn mới được cấp chứng nhận hữu cơ cho vùng sản xuất lúa nếp Quýt hữu cơ.

Theo ông Hoàng Văn Lù ở xã Anh Nhơn, huyện Đạ Tẻh - nông hộ tham gia mô hình chia sẻ: “Năng suất thu được từ lúa nếp Quýt hữu cơ tương đương với lúa VietGAP, khoảng 5,6 tấn/ha, nhưng giá bán cùng thời điểm thu hoạch cao hơn khoảng 50%, mà giá cả lại ổn định”. Nhận thấy hiệu quả rõ rệt nên bà con quyết định tiếp tục duy trì diện tích trồng lúa hữu cơ và cố gắng tuân thủ theo đúng quy trình sản xuất. Đặc biệt, các hộ dân ở xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh khi tham gia mô hình phải thực hiện cam kết với UBND xã về tuân thủ quy định trong sản xuất lúa hữu cơ, đồng thời tham gia kiểm tra chéo lẫn nhau, có sổ nhật ký ghi chép cẩn thận về quy trình sản xuất.

Trước khi tiến hành gieo trồng, hạt giống được nông hộ tự tay tuyển chọn từ những bông lúa to và đẹp nhất trên đồng ruộng (cắt đầu bông). Phân chuồng (phân heo, phân gà, phân tằm) phải được ủ từ 2 - 3 tháng bằng chế phẩm chuyên ủ Trichoderma. Theo yêu cầu sản xuất, lúa hữu cơ được gieo trồng bằng phương pháp cấy truyền thống. Rút kinh nghiệm từ chương trình sản xuất lúa GlobalGAP, các nông hộ tiến hành làm mạ sân sau đó cuốn mạ và đặt rải đều trên mặt ruộng, qua đó giúp giảm chi phí cấy tay xuống còn khoảng 6 triệu đồng/ha. Ngoài ra, do không phải gieo mạ dưới ruộng nên có thời gian cày xới, vệ sinh đồng ruộng và có thời gian để chất hữu cơ phân hủy phần nào.

Để tăng cường và duy trì độ phì của đất, Trung tâm Nông nghiệp huyện khuyến cáo các nông hộ, sau mỗi vụ sản xuất không được bán rơm, mà phải cày vùi rơm rạ, kết hợp sử dụng chế phẩm Trichoderma để tăng độ màu mỡ của đất và tiết kiệm chi phí phân bón. Quan trọng hơn, khi rơm rạ hoai mục trở thành phân hữu cơ có tác dụng như lân sẽ kết hợp với các độc chất phèn, làm cho chúng không gây ngộ độc cho cây lúa. Nấm Trichoderma phân giải nhanh gốc rạ làm cho cây lúa không bị ngộ độc vì axit hữu cơ. Đối với vụ Hè Thu, các hộ cần giữ nước ngập và không tiến hành gieo trồng (bỏ hoang ruộng), đồng thời bổ sung phân chuồng hoai, phân trộn và các loại men vi sinh, dầu khoáng trong thời gian 4 - 5 tháng để chuẩn bị cho sản xuất lúa Nếp quýt vụ Mùa được hiệu quả hơn.

Lê Hoàng Thưởng

TT Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh- Lâm Đồng