Xã Nậm Pung, huyện Bát Xát hiện có hơn 299 hộ với hơn 1.787 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Dao và Hà Nhì, thu nhập chủ yếu của người dân từ trồng lúa và ngô, do đó trên đất vườn nhiều hộ gia đình còn bỏ hoang.

 

Trước tình trạng trên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được Đảng bộ, chính quyền xã Nậm Pung xác định là một trong những giải pháp chủ yếu góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Đảng bộ xã Nậm Pung đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên phụ trách địa bàn tổ, hộ dân kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để phục vụ công tác lãnh chỉ đạo. Từ đó, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong xã tích cực tuyên truyền vận động nhân dân mạnh dạn đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.

 

Ngoài việc triển khai trồng lúa, ngô và hoa màu để duy trì sản xuất, xã Nậm Pung còn đưa cây lê tai nung vào trồng thí điểm, thế nhưng khi đưa vào trồng thử nghiệm thì một số người dân chưa tin vào hiệu quả kinh tế của loại cây này. Với phương châm cán bộ, đảng viên làm trước, dân làm theo, ông Tẩn Sài Chiêu là một trong những cán bộ đi đầu của xã Nậm Pung đã đưa 400 cây lê vào trồng trên vườn đồi của nhà mình và đào hào, rào xung quanh cẩn thận, không để trâu ngựa vào phá hoại. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên những cây lê tai nung của gia đình ông đã cho thu hoạch năm thứ 2. Mỗi cây lê cho thu hoạch từ 25-30 kg quả, thậm chí có cây trên 40 kg quả, Với sản lượng gần 1 tấn quả, với giá bán 30.000 đồng/kg có thể thu về từ 25-30 triệu đồng. Thấy rõ hiệu quả của cây lê, người dân trong xã đã mở rộng diện tích trồng, đến nay trên địa bàn xã Nậm Pung đã có 9 ha cây lê tai nung, tập trung chủ yếu ở các thôn: Kin Chu Phìn, Tả Lé, Nậm Pung, Sín Chải. Trong đó, 3 ha đã cho thu hoạch quả năm thứ 2. Quả lê tai nung chín có vị ngọt mát, thơm. Cuối năm 2013, xã Nậm Pung tiếp tục mở rộng thêm diện tích lên 5,61 ha. Xác định đây là loại cây có giá trị kinh tế, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, huyện Bát Xát đã đồng ý cho Nậm Pung mở rộng diện tích trồng cây lê tai nung thêm 11 ha từ nay đến hết năm 2015. Cũng như nhiều xã vùng cao khác, Nậm Pung hiện nay có thể trồng tới hàng trăm ha cây lê tai nung. Đây là một trong những giải pháp có hiệu quả đem lại thu nhập cao cho người dân mà còn tránh tình trạng bỏ hoang đất vườn.

 

Không chỉ làm tốt việc chuyển đổi cây trồng trên đất vườn, cấp ủy, chính quyền, xã Nậm Pung còn đẩy mạnh việc vận động nhân dân trồng rau màu trên chân ruộng để tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.

 

Có thể thấy chuyển đổi cây trồng ở Nậm Pung bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là một hướng đi tích cực cho địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ghi nhận sự phát triển của chuyển đổi cây trồng cần có tính tự chủ của địa phương và nông dân là rất quan trọng trong việc thực hiện quá trình chuyển đổi cây trồng. Muốn nâng cao thu nhập cho nông dân, đáp ứng các tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, xã Nậm Pung phải coi việc chuyển đổi từ cây trồng giá trị thấp sang các cây trồng chất lượng cao, trong đó có cây lê tai nung là một hướng đi cần nhân rộng. Để chuyển đổi cây trồng thành công thì vai trò của chính quyền địa phương và cán bộ kỹ thuật nông nghiệp phải được phát huy mới nhân rộng được.

 

Trần Hợp - Trạm KN Bát Xát, Lào Cai