Kiến thức bản địa là một kho tri thức vô cùng quý giá của cộng đồng dân cư bản địa với những đặc điểm ưu việt mà các hệ thống kỹ thuật nhập từ bên ngoài không thể có được đó là khả năng thích ứng cao với môi trường của người dân; là kết quả của quá trình quan sát, đúc rút kinh nghiệm từ thực tế sinh hoạt và trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Vì vậy việc áp dụng kiến thức bản địa trong thích ứng với biến đổi khí hậu là chìa khóa mở ra thành công cho việc phát triển sinh kế bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, những đối tượng chịu thiệt thòi trong xã hội.


Tại Bắc Kạn biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng phát triển sản xuất của tỉnh. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương trong 50 năm qua biến đổi khí hậu đã làm tăng nhiệt độ của tỉnh Bắc Kạn lên 0,7 độ C, lũ lụt, hạn hán xảy ra thường xuyên hơn với mức độ, phạm vi ngày càng lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp của địa phương.


Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, duy trì, ổn định cuộc sống và thích ứng với bối cảnh biến đổi khí hậu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (ADC), Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn phối hợp với chính quyền, cộng đồng người dân hai xã Mai Lạp, Thanh Vận thuộc huyện Chợ Mới đưa ra một số sáng kiến trong việc áp dụng kiến thức bản địa của cộng đồng, biện pháp tối ưu nhất được chọn là việc nghiên cứu kiến thức bản địa trong thích ứng với biến đổi khí hậu và được áp dụng hài hòa với khoa học kỹ thuật. Đó là, xây dựng một số mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu có sử dụng kiến thức bản địa dựa vào cộng đồng như: mô hình ngô xen đậu xanh thích ứng hạn trên đất lúa một vụ; mô hình gừng, cây dược liệu xen chuối tây trên đất dốc với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của tổ chức CARE tại Việt Nam. Đây được coi là hướng đi mới nhằm nâng cao năng lực cho cộng đồng để thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu dựa vào chính tiềm lực của họ và là các giải pháp có kỹ thuật phù hợp, sử dụng nguồn lực tại chỗ hay các lao động nông nhàn tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu của địa phương.


Qua theo dõi, đánh giá cho thấy, việc xây dựng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu có sử dụng kiến thức bản địa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, thu nhập ổn định hơn lúa, thích ứng cao hơn với điều kiện thời tiết bất lợi, nhất là khả năng chịu hạn, chống xói mòn, rửa trôi. Cụ thể: mô hình ngô xen đậu xanh sử dụng kiến thức bản địa thích ứng hạn trên đất một vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, thu nhập ổn định hơn so với trồng lúa, đạt từ 20 – 25 triệu đồng/ha/vụ (trồng lúa đơn thuần chỉ đạt 20 triệu đồng/ha/vụ); mô hình gừng, cây dược liệu xen chuối tây trên đất dốc hạn chế được hiện tượng xói mòn, rửa trôi, thu nhập cao hơn trồng chuối đơn thuần từ 10 – 12 triệu đồng/năm.


Việc xây dựng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu có sử dụng kiến thức bản địa ngoài việc nâng cao thu nhập cho người dân còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái; tăng hệ số sử dụng đất, hạn chế xói mòn, rửa trôi; hạn chế sâu bệnh hại nhờ xác định thời vụ hợp lý và bón phân cân đối.


Ma Thế Sơn
Trung tâm Khuyến nông – Khuyến lâm Bắc Kạn