Mỗi mô hình, dự án hỗ trợ vật tư, hướng dẫn sử dụng phân hữu cơ sinh học (Tabimix 2), chế phẩm phân hủy rơm rạ (Sumitri), nấm trắng, nấm xanh. Các mô hình đều sử dụng giống xác nhận, sạ thưa từ 100 kg - 120 kg/ha. Trong mô hình còn bố trí một số diện tích để sạ các mật độ 80 kg/ha, 100 kg/ha, 150 kg/ha, 180 kg/ha để giúp cho nông dân đánh giá, so sánh hiệu quả của các mật độ gieo sạ. Ngoài ra, mô hình còn áp dụng phương pháp rút nước giữa vụ giúp cho lúa cứng cây hạn chế được đỗ ngã.

Các đại biểu tham quan ruộng mô hình

Sau khi thực hiện các mô hình, dự án đã tổ chức hội thảo đánh giá mô hình thực hiện ở 6 huyện nêu trên. Kết quả cho thấy: mô hình giảm được từ 13- 50 kg đạm/ha tương đương với 28 - 108 kg urê/ha, từ 4 -77 kg lân/ha, 1 - 2 lần phun thuốc BVTV, từ 20 - 60 kg giống/ha. Chi phí sản xuất của mô hình cao hơn đối chứng từ 0,48 - 2,21 triệu đồng/ha (do có sử dụng thêm phân hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học), năng suất cao hơn đối chứng từ  0,3 - 1,4 tấn lúa tươi/ha, lợi nhuận cao hơn từ 0,73 - 7,69 triệu đồng/ha so với đối chứng.

Song song đó, dự án còn hỗ trợ thực hiện lớp tập huấn FFS (lớp học ngoài hiện trường) gắn liền với mô hình. Lớp học này bắt đầu từ khi gieo sạ đến thu hoạch, nông dân được học lý thuyết kết hợp với hướng dẫn thực hành tại đồng ruộng. Cách làm này đã giúp nông dân tiếp cận nhanh kiến thức, nâng cao nhận thức và áp dụng có hiệu quả vào thực tế sản xuất về kỹ thuật canh tác lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường./.

Thùy Lan

Trung tâm Khuyến nông Long An