Tham dự có 50 đại biểu là cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông, BQL Dự án, Trạm Khuyến nông Tân Trụ, khuyến nông viên xã và nông dân.

Các đại biểu đã tham quan thực tế mô hình canh tác lúa hiệu quả, bền vững, giảm khí phát thải áp dụng quy trình kỹ thuật “1 phải 6 giảm”. Tại hội thảo, cán bộ kỹ thuật đã báo cáo về quá trình triển khai mô hình. Mô hình sử dụng giống xác nhận RVT với lượng giống gieo sạ là 120 kg/ha (giảm 30 kg so với tập quán cũ), sử dụng các chế phẩm sinh học như: phân hữu cơ sinh học (Tabimix 2), chế phẩm phân hủy rơm rạ (Sumitri) thay cho việc đốt rơm ngoài đồng; dùng nấm trắng, nấm xanh để quản lý rầy nâu, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả thực tế cho thấy lúa phát triển mạnh, nẩy chồi tập trung, cây lúa cứng, ít bị sâu bệnh và hạn chế đổ ngã. Năng suất ướt đạt cao hơn đối chứng là 0,35 tấn/ha, với giá bán hiện nay là 5.500 đồng/kg thì mô hình có lợi nhuận cao hơn đối chứng khoảng 2 triệu đồng/ha.

Các đại biểu tham quan mô hình canh tác lúa hiệu quả, bền vững, giảm khí phát thải

Trong quá trình thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông và Ban quản lý dự án cũng tổ chức lớp học FFS nhằm gắn lý thuyết với thực tế đồng ruộng. Lớp học có 5 buổi học gồm lý thuyết và thực hành theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa. Đầu buổi học, học viên đều phải ra đồng để theo dõi, quan sát quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa cũng như các đối tượng gây hại với sự hướng dẫn và hỗ trợ của cán bộ khuyến nông. Sau đó các học viên vào lớp học, thảo luận và đề xuất các giải pháp xử lý. Cách học này giúp cho học viên phát huy tính chủ động, dễ dàng tiếp thu kiến thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tập huấn.

Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng giải pháp kỹ thuật canh tác lúa “1 phải 6 giảm” đem lại hiệu quả thiết thực, giúp hạn chế sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng lúa gạo.  

Vân Hạ

Trung tâm Khuyến nông Long An