Vụ Đông năm 2021, tiếp tục triển khai dự án khuyến nông Trung ương: “Xây dựng mô hình sản xuất thương phẩm ngô nếp, ngô ngọt và ngô sinh khối gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh phía Bắc”, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa triển khai mô hình: “Sản xuất thương phẩm ngô ngọt Golden Cob theo chuỗi giá trị” quy mô 10 ha tại xã Vĩnh Quang. Kết quả mô hình cho thấy, giống ngô ngọt Golden Cob có khả năng thích ứng rộng, thời gian sinh trưởng 73-75 ngày, cây khỏe bộ rễ chân kiềng lan rộng nên khả năng chống đổ tốt, cây có bộ lá xanh đậm cho tới khi thu hoạch nên có thể sử dụng làm thức ăn gia súc. Năng suất bắp của mô hình đạt 16,3 tấn/ha, sản lượng đạt 163,0 tấn. Năng suất thân, lá đạt 12,0 tấn/ha, sản lượng đạt 120,0 tấn. Toàn bộ sản phẩm ngô bắp của mô hình được Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu thu mua với giá 4.500 đồng/kg. Thân, lá được người dân để lại phục vụ cho chăn nuôi tại địa phương. Hạch toán kinh tế mỗi ha ngô ngọt cho tổng thu 79,3 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn thu được 42,8 triệu đồng/ha, cao hơn so với các giống ngô lấy hạt trồng đại trà tại địa phương từ 25 – 30%

Ban chủ nhiệm dự án thăm quan, đánh giá mô hình sau 50 trồng

 

Bà Dương Thị Tình, nông dân tham gia mô hình hồ hởi cho biết: “Khi các cán bộ của Trung tâm về triển khai mô hình tại địa phương, gia đình tôi đã đăng ký trồng 3,1 sào. Quá trình triển khai được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên rất thuận lợi. Giống ngô này thích hợp với đồng đất tại địa phương, cây sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh. Trên 3,1 sào trồng, gia đình tôi được 2,5 tấn bắp, bán cho công ty với giá 4.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho lãi khoảng 6 triệu đồng. Toàn bộ thân lá ngô còn lại được sử dụng ủ chua làm thức ăn cho đàn trâu 5 con của gia đình".

Theo ông Nguyễn Đăng Tín, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang thông tin: Diện tích ngô trong vụ Đông của xã hàng năm đều đạt trên 100 ha. Tuy nhiên bà con chủ yếu sản xuất ngô lấy hạt. Giống ngô được cung ứng từ nhiều nguồn khác nhau nên chưa đảm bảo. Trong 2-3 năm trở lại đây, người dân mới bắt đầu trồng thử nghiệm các giống ngô sinh khối và ngô ngọt tại địa phương và cho kết quả khá tốt. Việc triển khai mô hình trên diện rộng của Trung tâm một lần nữa đã minh chứng cho người dân thấy rõ hiệu quả của mô hình. Từ kết quả này, chúng tôi dự kiến sẽ chuyển đổi 30 - 40% diện tích sang trồng ngô ngọt và ngô sinh khối trong vụ Đông năm tới. UBND xã đề nghị Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện tiếp tục quan tâm, triển khai mô hình tại địa phương trong những năm tiếp theo, đồng thời giới thiệu các doanh nghiệp tiêu thụ nhằm đảm bảo đầu ra của sản phẩm cho người dân địa phương.

Sái Ngọc Anh

Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông