Quy mô xây dựng là 03 ha trồng giống cam V2 xen ổi lê Đài Loan. Đây là mô hình có nhiều ý nghĩa thiết thực trong điều kiện thực tế hiện nay huyện Nam Đàn đang mở rộng diện tích trồng các loại cây ăn quả có múi và áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo nên một nền nông nghiệp hiện đại và phát triển bền vững.

Tham gia mô hình bà con nông dân được hỗ trợ 100% về giống và 30% chi phí đầu tư lắp đặt hệ thống tưới; được cán bộ chuyên môn tập huấn kỹ thuật và theo dõi chỉ đạo liên tục trong thời gian thực hiện.

Mô hình trồng cam V2 xen ổi ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tại xóm 6A - xã Nam Thanh

Hiệu quả tiết kiệm nước của công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây cam được xác định bằng cách so sánh lượng nước tưới giữa khu vực mô hình tưới nhỏ giọt và khu đối chứng. Kết quả bước đầu cho thấy, hệ thống tưới nhỏ giọt đã phát huy được hiệu quả. Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây cam cho thấy lượng nước tưới giảm được 425 m3/ha/năm, tức là tiết kiệm được 45% so với lượng nước tưới áp dụng kỹ thuật tưới rãnh thông thường.

Hơn nữa trong quá trình sản xuất rất thuận tiện, nông dân chủ động hoàn toàn trong việc tưới tiêu, bón phân và giảm công lao động, giảm chi phí lao động. Cây trồng được tưới bằng hệ thống nhỏ giọt phát triển tốt, bộ rễ phân tán tròn đều, qua đó làm cho việc tạo tán cho cây cam thuận lợi hơn, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó hệ thống tưới nhỏ giọt còn giúp người trồng cam hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ cân bằng hệ sinh thái vườn cây.

Đây là hướng đi cần thiết tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Việc áp dụng KHKT vào sản xuất cũng góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng thương hiệu cam của huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Trần Thị Hoài Phương

Trạm Khuyến nông Nam Đàn, Nghệ An