Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đến tháng 12/2017, 3 năm qua (2015 - 2017) lực lượng khuyến nông các cấp trong tỉnh đã triển khai tập huấn 4.331 lớp cho 270.750 lượt người và xây dựng 2.318 mô hình thuộc các lĩnh vực.

Hội thảo mô hình lúa chất lượng cao tại Xuân Lâm - Nam Đàn  

Điều đáng được ghi nhận là nhiều mô hình đạt hiệu quả cao đã tác động tới sản xuất.

Mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP chú trọng ứng dụng các giống mới cho năng suất, chất lượng cao, áp dụng biện pháp canh tác cải tiến (SRI) để có sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Các mô hình đạt năng suất bình quân 6,0 tấn/ha, cao hơn sản xuất đại trà 15- 20%.

Mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô tại Quỳ Hợp, Quỳ Châu hiệu quả gấp 2 lần trồng lúa.

Mô hình sản xuất nấm ăn, các loại rau an toàn theo hướng VietGAP… tại Nam Đàn, Diễn Châu, Yên Thành, Thái Hòa, Tương Dương, Kỳ Sơn… cho thu nhập từ 120 - 200 triệu đồng/ha/vụ, qua đó góp phần nâng cao nhận thức người trồng rau thực hiện đúng quy trình sản xuất rau an toàn từ khâu chọn giống, làm đất, phân bón, thuốc BVTV, thu hoạch, bảo quản sản phẩm.

Công nghệ nhà lưới đã được áp dụng để trồng dưa Kim Hoàng hậu, cà chua trái vụ tại Quỳnh Lưu thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/vụ.

Mô hình trồng các loài hoa cao cấp có giá trị cao như: hoa tuy-líp, hoa lily, hoa lan tại thành phố Vinh, Cửa Lò, Quỳnh Lưu.

Đối với cây ăn quả áp dụng biện pháp thâm canh theo VietGAP, sử dụng giống sạch bệnh, chất lượng cao, dùng túi bọc quả, phân vi sinh bón lá… cho cây cam tại Quỳ Hợp đạt năng suất 25 tấn/ha, tổng thu đạt trên 01 tỷ đồng/ha.

Mô hình sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm cho cây cam tại Nghĩa Đàn và Thái Hoà bước đầu cho thấy cây sinh trưởng phát triển vượt trội so với sản xuất đại trà.

Mô hình trồng thâm canh chanh leo tại Kỳ Sơn, Tương Dương, năng suất đạt 35 tấn/ha, tổng thu bình quân 300 triệu đồng/ha, hiện nay đang được người dân nhân rộng.

Áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh mía giống mới năng suất cao chất lượng tốt như: KK2, MY 5514, QĐ 93.159… đồng thời áp dụng công nghệ tưới ở Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, năng suất bình quân 80 -110 tấn/ha, hiệu quả kinh tế tăng từ 20% - 30% so với sản xuất đại trà.

Mô hình trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh bằng giống keo lai nuôi cấy mô, giống keo ngoại và điều chỉnh mật độ hợp lý tại Quỳ Hợp, Tân Kỳ, bước đầu cho thấy khả năng sinh trưởng vượt trội so với giống keo lai hom, dự kiến sau 10- 12 năm sẽ đạt năng suất gấp 2 - 3 lần rừng keo lai hom trồng đại trà, chi phí giảm 1 lần trồng và 1 lần khai thác, duy trì bề mặt đất được che phủ trong suốt chu kỳ.

Mô hình nông lâm kết hợp trồng ngô xen xoan tại Tương Dương đã góp phần tăng thu nhập, lấy ngắn nuôi dài, bảo vệ đất.

Mô hình phát triển cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng như: trồng cây Hương bài tại Quỳ Châu, cây bon bo tại Kỳ Sơn, Quế Phong… tạo thu nhập ổn định cho người dân miền núi, góp phần bảo vệ rừng tốt hơn. Đây là một trong những mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, việc xây dựng mô hình luôn chú trọng các khâu: chọn giống tại các cơ sở sản xuất kinh doanh giống có uy tín, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm dịch động vật, quy hoạch và vệ sinh chuồng trại, chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn hợp lý, an toàn, sử dụng đệm lót sinh học hoặc biogas hạn chế ô nhiễm đảm bảo vệ sinh môi trường, giết mổ đúng quy định. Một số mô hình cho hiệu quả cao về kinh tế - xã hội như: Mô hình nuôi gà, lợn (nuôi thịt và sinh sản) triển khai tại các huyện miền núi vùng đồng bào dân tộc Kỳ Sơn, Tương, Quế Phong, Quỳ Châu...; Các mô hình chăn nuôi bò sinh sản kết hợp trồng cỏ, nuôi dê sinh sản...  đối với các hộ nghèo có ý nghĩa lớn giúp các hộ từng bước thoát nghèo tại Anh Sơn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Yên Thành...

Về lĩnh vực thủy sản, các mô hình khai thác hải sản bằng máy dò ngang Ssonar, ra-đa hàng hải Koden cho thu nhập bình quân 500 triệu đồng/chuyến, tăng 30 - 50% so với đại trà. Mô hình hiệu quả cao nên đã đươc người dân nhân rộng từ 3 tàu lên 350 tàu.

Các mô hình nuôi nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP, nuôi các vược xen cua, cá vược xen cá chim trắng... tại Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai cho thu nhập trên 500 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa tại Diễn Châu, Thanh Chương cho thu lãi trên 120 triệu đồng/ha đất trồng lúa…

Có được kết quả trên là một quá trình trăn trở tìm kiếm học hỏi của lãnh đạo và cán bộ Trung tâm Khuyến nông về tiến bộ kỹ thuật từ các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước, các địa phương khác… để vận dụng phù hợp với điều kiện hoàn cảnh từng vùng của Nghệ An. Người dân được tiếp nhận khoa học kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn, tham quan, hội thảo, bản tin khuyến nông, website “khuyennongnghean”… Việc xây dựng kế hoạch chuyển giao các nội dung được dựa trên nguyện vọng của nông dân và đề xuất của địa phương. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ về chính sách của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp từ tỉnh - huyện - xã có vai trò quan trọng tạo nên những thành công trong các nội dung hoạt động chuyển giao TBKT vào sản xuất nông nghiệp.

Để công tác chuyển giao TBKT đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sản xuất, các đơn vị làm công tác chuyển giao cần thường xuyên đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, bổ sung kiến thức, kỹ năng truyền đạt, kinh nghiệm, tư vấn dịch vụ, thị trường… nhằm thực hiện tốt hơn vai trò thúc đẩy nông dân ứng dụng TBKT. Các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa trong quản lý, khâu nối gắn kết chặt chẽ bốn nhà, gắn kết khoa học với thực tiễn, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để ngày càng nhiều hơn các TBKT, sáng kiến, cải tiến… được ứng dụng và nhân rộng mạnh mẽ phát triển sản xuất.

Nguyễn Thị Hà

Trung tâm Khuyến nông Nghệ An