Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp khá lớn trên 6.000 ha, trong đó cây lúa chiếm khoảng hơn 2.000 ha, còn lại chủ yếu là các cây trồng có giá trị kinh tế như: nho, táo, hành, tỏi… Trước tác động của biến đổi khí hậu, hoạt động sản xuất của nông dân luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn về nước tưới. Để đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, năm 2013, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với tổ chức iDE tại Việt Nam triển khai thí điểm mô hình tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống tưới phun nhỏ giọt cho một số hộ trồng nho ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải. Sau thời gian thử nghiệm mang lại hiệu quả, nông dân địa phương đã nhân rộng cho tất cả các loại cây trồng khác. Từ việc áp dụng hiệu quả công nghệ tưới tiết kiệm, giúp bà con mở rộng vùng sản xuất, đảm bảo nguồn nước tưới thường xuyên cho mùa vụ ở những vùng khan hiếm nước.

Mô hình tưới nước tiết kiệm giúp bà con mở rộng sản xuất

Nếu như trước đây, ở khu vực hồ Ông Kinh, thuộc thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải, bà con luôn lo lắng vì thiếu nước mỗi khi nước hồ khô cạn thì giờ đây toàn bộ diện tích canh tác quanh vùng đã được bao phủ bằng hệ thống tưới phun nhỏ giọt. Anh Huỳnh Văn Chinh chia sẻ: Năm 2015, gia đình tôi đầu tư trên 25 triệu đồng để khoan giếng và lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 5 sào nho. Chỉ cần 2 giờ đồng hồ, vườn nho đã được tưới đủ nước không phải mất nhiều thời gian cả ngày như trước đây, nhờ đó năng suất nho luôn ổn định và không bị chết khô vào mùa hạn. Tương tự, hộ chị Lê Thị Xinh, ở thôn Mỹ Tân, xã Thanh Hải cũng vừa đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 2 sào ớt của gia đình, nên ruộng ớt luôn phát triển tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất trung bình đạt từ 3-3,5 tấn/vụ, tăng gấp 2 lần so với chạy nước tràn.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng thiếu nước tưới diễn ra ngày càng gay gắt, việc chủ động lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm của nông dân Ninh Hải được xem là giải pháp khả thi. Theo thống kê, tính đến nay tổng diện tích sử dụng phương pháp tưới tiết kiệm trên địa bàn huyện đạt gần 400 ha. Trong đó, cây nho chiếm 230 ha, còn lại là măng tây xanh, hành, tỏi, ớt, cỏ chăn nuôi.

Ông Trần Ngọc Tuân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Hải cho biết: Để giúp nông dân có điều kiện đầu tư hệ thống tưới phun tiết kiệm nước, mở rộng diện tích sản xuất, huyện tiếp tục có những chính sách ưu đãi, đề xuất quỹ hỗ trợ nông dân tạo điều kiện vay vốn; phối hợp với ngành chức năng tăng cường tư vấn công nghệ, lắp đặt để nông dân sử dụng hệ thống này đạt hiệu quả, góp phần giảm công lao động, tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Hồng Lâm

Theo Báo Ninh Thuận