Cây rong sụn (Kapsycus alcaeric) là nguyên liệu chủ yếu dùng để tách chiết carrageenan, một loại polimer sinh học có ứng dụng rất rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm, phi thực phẩm, mỹ phẩm, y dược, dược phẩm… và mới đây là sản xuất phụ gia thực phẩm thay thế hàn the.

Ninh Thuận có nghề trồng rong sụn phát triển khá sớm ở các xã biển Phước Dinh, Cà Ná, Phước Diên (huyện Thuận Nam) và Tri Hải, Thanh Hải (huyện Ninh Hải). Năm 2007, tổng diện tích mặt nước của cây rong sụn là trên 400 ha, sản lượng rong sụn toàn tỉnh bình quân hơn 9.000 tấn/năm. 5 năm trở lại đây, người trồng rong sụn liên tục bị mất mùa, nhiều hộ chuyên canh rong sụn đành phải dỡ lưới, rời biển, tìm kế mưu sinh khác. Từ đó, diện tích cây trồng này thu hẹp đáng kể. Thống kê của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Ninh Thuận cho thấy, diện tích rong sụn toàn tỉnh hiện chỉ còn 45 ha, sản lượng xấp xỉ 950 tấn/năm. Sở dĩ nghề trồng rong sụn không còn hiệu quả, nguyên nhân được cho là do thời tiết đã ảnh hưởng đến nhiệt độ môi trường biển.

Năm 2017, Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững cấp cho tỉnh Ninh Thuận, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận đã triển khai hỗ trợ giống rong sụn cho 17 hộ dân nghèo của thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải với diện tích thả 3,4 ha. Đến nay, lượng giống đã giao đủ cho các hộ là 8.500kg. Thời điểm hiện tại, rong phát triển tốt, dự kiến đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 2018 sẽ tiến hành thu hoạch. Mục tiêu của chương trình cũng nhằm tuyên truyền cho người dân vùng ven biển nhân rộng, khôi phục diện tích rong sụn lên khoảng 150 ha, phấn đấu đến năm 2020 đạt 200 ha.

Việc trồng rong biển giúp nhiều hộ có thêm việc làm trong thời gian nhàn rỗi, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và là một trong những giải pháp xử lý sinh học có hiệu quả nhằm cải thiện chất lượng nước tại các vùng nuôi trồng thủy hải sản.

Nguyễn Thị Cơ

Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận