Ông Trần Tám, một nông dân ở thôn Triều Sơn tham gia mô hình trồng đậu phộng trên cánh đồng Thầy Năm (thôn Triều Sơn) cho hay: “Ban đầu tôi gieo hạt thì trời mưa nhiều, lớp đất mặt dẽ (nén) cứng, làm ảnh hưởng đến khả năng mọc mầm. Giai đoạn đậu phộng ra hoa, đâm tia thì gặp thời tiết nắng nóng, tôi nhận thấy vùng này trồng đậu phộng không có ăn. Thế nhưng khi bơm tưới nước cho đậu phộng, về sau khi đậu phộng già đạt chiều cao thân chính từ 30-50 cm. Tôi nhổ lên thấy trái to, eo nông, có gân trái, vỏ lụa màu hồng, đem cân 100 trái đạt 165gam. Nhà tôi trồng 2 sào (1.000 m2) nhổ lên cân được 5 tạ”.

Ông Nguyễn Văn Bình, cũng tham gia trồng đậu phộng cho biết năng suất của ruộng nhà ông đạt trên 50 tạ/ha đậu phộng tươi. Viện Khoa học Kỹ thuật Duyên hải Nam Trung Bộ mua tại ruộng với giá 10.500 đồng/kg, tổng thu ruộng mô hình là 50, 4 triệu đồng/ha, trừ các khoảng chi phí từ công lên luống, cày bừa, chăm sóc, phân bón hết 40, 1 triệu đồng/ha, gia đình ông còn lãi ròng đạt trên 10,3 triệu đồng/ha.

Được biết, trước đây cánh đồng trồng Thầy Năm trồng lúa nhưng do vùng này không có nguồn nước tưới nên năng suất thực tế chỉ từ 35-40 ta/ha, bà con nông dân bị lỗ. Nay bà con chuyển sang trồng đậu phộng thu lãi cao. Đặc biệt mô hình này được Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ ký hợp đồng thu mua toàn bộ đậu phộng tươi theo giá thị trường.

Mô hình trồng đậu phộng trên đất lúa tại xã Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu, Phú Yên)

Tại hội thảo đánh giá kết quả mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng (đậu phộng) trên đất trồng lúa, màu kém hiệu quả, Th.s Trần Minh Hải, Phó giám đốc Trung tâm chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ) cho biết: Giống đậu phộng L14 được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ - Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn lọc theo phương pháp chọn lọc quần thể từ dòng lạc QĐ5 ở tập đoàn đậu phộng nhập nội của Trung Quốc. Thời gian ra hoa rộ khoảng 38-42 ngày sau gieo, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương. Đây là một trong những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, màu kém hiệu quả thành công trong thời gian gần đây ở Phú Yên. Mô hình này khi thu hoạch, Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ thu mua toàn bộ đậu phộng tươi theo giá thị trường đảm bảo đầu ra cho nông dân.

Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ 2 Lê Văn Khánh chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên nông dân thôn Triều Sơn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng (đậu phộng) trên đất trồng lúa, màu kém hiệu quả. Bà con tham gia mô hình áp dụng qui trình thâm canh đậu phộng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật như lên luống, xuống giống, tưới nước, đặc biệt là bón vôi lót, bón thúc vôi cho đậu phộng giai đoạn ra hoa rộ. Năng suất thực thu khi phơi khô đạt 48 tạ/ha. Ngoài ra, mô hình còn tận thu được khoảng 22 tấn/ha thân, lá đậu phộng sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, hoặc sử dụng làm nguồn phân xanh và một lượng lớn phân đạm do đậu phộng cố định được trả lại cho đất. Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Th.S Nguyễn Đức Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên cho biết: Trồng đậu phộng trên nền đất lúa giảm được từ 4 - 5 lần tưới/vụ và lượng nước dùng tưới cho đậu phộng giảm từ 60 - 70% so với lúa. Vì vậy, mô hình này không những có hiệu quả về mặt kinh tế mà còn tiết kiệm một lượng lớn nước dùng trong công tác tưới tiêu, phù hợp với định hướng của ngành nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu, hiện tượng El-nino diễn ra trên diện rộng như hiện nay. Mô hình góp phần thực hiện thành công Nghị quyết của HĐND tỉnh về Chính sách hỗ trợ chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm tỉnh Phú Yên.

Mạnh Hoài Nam