Mô hình được thực hiện tại 03 xã: Ealy, huyện Sông Hinh; Eachàrang, huyện Sơn Hoà và Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân (mỗi điểm trình diễn 10 ha). Đặc biệt, mô hình có sự tham gia của Công ty TNHH KUBOTA Việt Nam cho mượn các loại máy móc thiết bị để khâu làm đất, trồng mía, làm cỏ, bón phân; Công ty TNHHSX-TM Hoàng Long Vina hỗ trợ 30% tổng giá trị phân bón theo định mức của mô hình; Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, Tổng công ty CP Mía đường Tuy Hoà cung ứng giống mía và thu mua nguyên liệu vào cuối vụ.

 

Mô hình đã áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc và bón phân cho mía bằng các loại máy chuyên dùng của công ty TNHH Kobuta Việt Nam: trồng hàng đôi, khoảng cách giữa 02 hàng mía từ 1,4m -1,6m, khoảng cách hàng kép 0,3 - 0,4m nên rất thuận tiện trong chăm sóc, làm cỏ, bón phân cho mía. Với việc sử dụng máy làm đất M9540 có công suất lớn bước đầu đã có hiệu quả cao như: Giảm chi phí rạch hàng trồng mía từ 1.800.000 - 2.100.000 đồng/ha; giảm chi phí làm cỏ, bón phân từ 2.200.000 - 2.400.000 đồng/ha so các phương pháp trồng, chăm sóc hiện nay tại vùng trình diễn. Các giống sử dụng trong mô hình bao gồm: KK3, K95-156, K88-95 là các giống có năng suất cao, chữ đường cao. Qua kiểm tra theo dõi từng thời kỳ sinh trưởng, mía của mô hình sinh trưởng phát triển tốt, cây to, khỏe, không xuất hiện sâu bệnh. Mật độ trung bình từ 7,5-9 cây/m2, cây cao từ 1,8- 2m, trọng lượng trung bình đạt từ 1,5- 2 kg/cây, ước tính năng suất trung bình đạt 98,5 tấn/ha, cao hơn đối chứng từ 15-20 tấn/ha. Lợi nhuận bình quân đạt 62.291.000 đồng/ha, cao hơn đối chứng 18.585.000 đồng/ha.

 

Với kết quả trên, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Công ty TNHHSX-TM Hoàng Long Vina và Tổng Công ty CP Mía đường Tuy Hoà tổ chức hội thảo, phổ biến tuyên truyền kỹ thuật và giải pháp nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu mía sử dụng cơ giới hoá cho 100 đại biểu là nông dân chuyên sản xuất mía tại các huyện Đồng Xuân, Sơn Hoà và Sông Hinh.

 

Theo ông Lê Văn Chư – Nông dân tham gia mô hình tại xã Ealy, huyện Sông Hinh: Mô hình cánh đồng mẫu mía sử dụng cơ giới hoá áp dụng kỹ thuật trồng hàng đôi bằng máy của Công ty TNHH KOBUTA Việt Nam nên rất thuận lợi cho việc chăm sóc, làm cỏ, tiết kiệm được chi phí lao động; đồng thời cây mía phát triển tốt, to khoẻ, không bị sâu bệnh và năng suất cao hơn so với đối chứng từ 15-20 tấn/ha.

 

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Yên: Đánh giá rất cao hiệu quả của mô hình cánh đồng mẫu mía sử dụng cơ giới hoá, chỉ đạo các đơn vị liên quan quy hoạch vùng sản xuất, nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương khác trong tỉnh, đồng thời khuyến khích các hộ nông dân đầu tư mua máy móc phục vụ cho sản xuất. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tiếp tục là đầu mối gắn kết các công ty, doanh nghiệp để hỗ trợ cho nông dân từ khâu cung ứng vật tư, thiết bị đến tiêu thu sản phẩm, tiến đến liên kết giữa 4 nhà, xây dựng vùng nguyên liệu mía đường ổn định cho tỉnh nhà.

 

Như vậy, qua một thời gian ứng dụng, đưa cơ giới hoá vào sản xuất mía, đã nâng cao lợi ích và hiệu quả lao động trong sản xuất mía từ khâu xuống giống, chăm sóc bón phân phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm công lao động, tăng năng suất mía và đảm bảo tiến độ thời vụ gieo trồng. Hầu hết bà con đã nhìn thấy hiệu quả của việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất mía đã thay thế cho sức người làm thủ công mang lại hiệu quả cao, đưa sản xuất nông nghiệp Phú Yên dần đi theo hướng hiện đại hoá, công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn.

 

Th.s Hồ Văn Nhân – TTKNKN Phú Yên