Quảng Bình là địa phương có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho sản xuất lạc. Hiện toàn tỉnh có trên 5.100 ha diện tích trồng lạc vụ Đông xuân, tập trung chủ yếu ở các huyện Bố Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa và Lệ Thủy. Dù là đối tượng cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, việc sử dụng các loại giống cũ bị thoái hóa, kỹ thuật thâm canh còn thấp, nhỏ lẻ và chưa đồng bộ… dẫn tới năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất lạc chưa cao.

Để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cũng như chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất thâm canh lạc cho bà con nông dân, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình và chuyển giao gói kỹ thuật thâm canh lạc Xuân đạt năng suất cao phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng Bắc Trung bộ giai đoạn 2016-2018” tại huyện Tuyên Hóa.

Tham quan mô hình thâm canh lạc đạt năng suất cao tại xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa

Chị Phan Thị Thanh, Trưởng bộ môn Cây trồng của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ, chủ nhiệm dự án cho biết: Đây là dự án khuyến nông được thực hiện tại 5 tỉnh gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Tại tỉnh Quảng Bình, dự án triển khai trong 3 năm từ 2016-2018 tại huyện Tuyên Hóa, với tổng diện tích thực hiện 50 ha; trong đó, năm 2016 thực hiện 10 ha tại xã Phong Hóa, năm 2017 thực hiện 20 ha tại xã Hương Hóa, Đồng Hóa.

Đối với vụ sản xuất năm 2018, mô hình được thực hiện với diện tích 20 ha, tại xã Đức Hóa và Thạch Hóa, sử dụng giống lạc L20, L27. Trong đó, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ thực hiện 10 ha, sử dụng giống lạc L20, tại thôn 4 Đức Phú, xã Đức Hóa với quy mô 58 hộ dân tham gia; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ thực hiện 10 ha, sử dụng giống lạc L27, tại thôn Đạm Thủy, xã Thạch Hóa với quy mô 111 hộ dân tham gia.

Quá trình theo dõi và đánh giá cho thấy, mô hình sử dụng giống lạc mới L20 được thực hiện tại xã Đức Hóa có thời gian sinh trưởng từ 110-115 ngày, tỷ lệ nảy mầm 95,7%, chiều cao cây gần 44,6 cm, số cành cấp 1 đạt 4,8 cành/cây, số quả chắc đạt 11,4 quả/cây. Mặc dù trong quá trình chăm sóc bị ảnh hưởng của mưa rét kéo dài nhưng do áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, đặc biệt có che phủ nilon cho lạc giúp giữ nhiệt độ và ẩm độ nên cây lạc sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất ước đạt 4,3 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình sản xuất đại trà (đối chứng) khoảng 14,7 triệu đồng/ha. L20 là giống lạc mới được công nhận giống Quốc gia tháng 7/2017, lần đầu tiên được trồng thử nghiệm đánh giá năng suất tại tỉnh Quảng Bình.

Mô hình sử dụng giống lạc L27 thực hiện tại xã Thạch Hóa được đánh giá sinh trưởng, phát triển khỏe, phân nhánh tốt, ra hoa và quả chín tập trung, số quả chắc nhiều (12,7 quả/cây), thích hợp với điều kiện sinh thái và thổ nhưỡng tại địa điểm nghiên cứu. Năng suất dự kiến đạt gần 4,4 tấn/ha, trong khi đó các giống lạc cũ trồng tại địa phương năng suất chỉ đạt trung bình 3,1 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế của mô hình cao hơn so với sản xuất đại trà khoảng 15,4 triệu đồng/ha.

Theo đánh giá của các hộ tham gia mô hình, nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh lạc được Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ chuyển giao, diện tích lạc thuộc mô hình có tỷ lệ nảy mầm cao, cây lạc sinh trưởng và phát triển tốt, hạt lạc chắc, chín đều, năng suất cao hơn so với trước đây.

Thành công của mô hình sẽ góp phần thay đổi nhận thức cũng như tập quán canh tác lạc theo phương pháp truyền thống của người dân; đồng thời giúp hình thành nhóm liên kết nông hộ trong sản xuất giống, thúc đẩy việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất lạc, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân trong vùng. Bên cạnh đó, với mục tiêu thực hiện mô hình và chuyển giao gói kỹ thuật thâm canh lạc Xuân cho các vùng trọng điểm trồng lạc của huyện Tuyên Hóa nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung, trên cơ sở kết quả đạt được của dự án, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ cũng đề nghị các địa phương, ban ngành có giải pháp, chính sách hỗ trợ, khuyến khích hộ nông dân tái sản xuất và nhân rộng mô hình trong các năm tiếp theo.

Ngọc Lan

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Bình