Mô hình thực hiện trên địa bàn 5 huyện trung du và miền núi của tỉnh, với qui mô 35 ha/5 điểm/15 hộ tham gia. Nguồn giống sử dụng là keo lai mô dòng BV10, BV16 và BV32 do Trại Phát triển Công nghệ Giống cây trồng Tam An (thuộc Trung tâm Giống Nông - Lâm nghiệp Quảng Nam) cung ứng.

Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ thuật trồng thâm canh cây keo lai cấy mô (mỗi lớp 40 học viên) và tổ chức 5 đoàn tham quan các mô hình hiệu quả (mỗi đoàn 50 người). Qua tập huấn và tham quan mô hình, các hộ dân có điều kiện tiếp cận, nắm bắt được những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, trao đổi học tập những kinh nghiệm quí trong sản xuất thâm canh và biết lựa chọn giống mới để phát triển trồng rừng gỗ lớn.

Sau 12 tháng trồng cho thấy, cây trồng có tỷ lệ sống cao (trên 90%), cây sinh trưởng tốt trên các điểm triển khai, độ đồng đều của rừng tương đối cao, sinh trưởng chiều cao trung bình đạt 4,4 m, đường kính gốc bình quân đạt 5,0 cm. So sánh với rừng keo tai tượng (trồng đối chứng) trên cùng một chân đất, biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc như nhau, chiều cao trung bình của cây chỉ đạt 2,8m, đường kính gốc bình quân đạt 3,0 cm, mức độ đồng đều của cây trồng không cao.

Mặc dù mô hình mới được triển khai trong năm 2016 và đang ở trong thời kỳ thiết kế cơ bản, chưa đem lại nhiều kết quả to lớn, nhưng bước đầu đã làm thay đổi được những suy nghĩ, tập quán canh tác lạc hậu trước đây của người dân (như trồng rừng với mật độ cao, không thực hiện chăm rừng và khai thác rừng non…);

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc người dân quyết định lựa chọn loài cây này đưa vào trồng rừng là giá bán cây giống keo lai mô hiện nay còn khá cao so với các loài keo gieo ươm từ hạt thực sinh có mặt trên thị trường. Vì vậy, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giá để người dân có thể tiếp cận loài giống mới này được sớm hơn;

Từ kết quả ban đầu của mô hình trên cho thấy cây keo lai nuôi cấy mô là một trong những giống cây lâm nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao cho phát triển trồng rừng gỗ lớn tại Quảng Nam;

Phát triển rừng gỗ lớn là xu hướng tất yếu của kinh doanh rừng trồng sản xuất hiện nay bởi không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ gia đình do giảm chi phí trồng mới, giảm công lao động, mà còn giúp giảm xói mòn, rửa trôi đất do kéo dài chu kỳ kinh doanh, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu../.

                                                                                       Phan Đăng Danh

Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam