Sau khi tham quan thực tế mô hình chăn nuôi vịt biển thương phẩm, các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận về con giống, kỹ thuật nuôi và phòng trừ dịch bệnh, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc nuôi dưỡng vịt biển. Theo đó, các hộ tham gia mô hình cho biết tỷ lệ nuôi sống đàn vịt đạt 97%, lãi thu được từ 1 vịt biển thương phẩm 50-60 ngày tuổi (trọng lượng trung bình 2,5 – 2,8 kg/con) dao động từ 30.000 – 40.000 đồng/con.

Vịt biển có ưu điểm là sức sống, sức đề kháng tốt, khả năng kiếm mồi nhanh nhạy, người nuôi có thể tận dụng các thức ăn có sẵn như khoai lang, khoai mì… Hạn chế lớn nhất của giống vịt này là lông màu, khi giết mổ khó khăn và thân thịt không được bắt mắt nên thường bị thương lái ép giá. Chất lượng thịt được người tiêu dùng đánh giá hơn hẳn giống vịt siêu thịt đang nuôi đại trà trên địa bàn tỉnh, thịt săn chắc, thơm và ít mỡ hơn giống vịt siêu thịt. Hiện nay tại các xã ven biển của tỉnh Quảng Nam, người nông dân cũng dần tiếp cận giống vịt này và bắt đầu đưa vào nuôi khai thác thịt và khai thác trứng.

Để mở rộng sản xuất trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ nghiên cứu xây dựng chuỗi giá trị vịt biển thương phẩm, từ khâu chăn nuôi đến giết mổ tiêu thụ, tạo ra thương hiệu vịt biển gắn liền với vùng nước lợ, nước mặn của tỉnh, từng bước giới thiệu chất lượng thịt vịt biển đến người tiêu dùng.

Có thể nói việc phát triển chăn nuôi giống vịt biển Đại Xuyên 15 tại Quảng Nam mở ra hướng phát triển kinh tế mới thích ứng biến đổi khí hậu cho các địa phương vùng nước lợ, nước mặn của tỉnh./. 

Thu Thủy

Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam