Triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam về việc Cơ chế khuyến khích - Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, từ năm 2017 đến 2020, UBND huyện Đông Giang sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, vốn ngân sách của huyện và nhân dân đối ứng triển khai mô hình trồng cây ba kích tím dưới tán rừng.

Mô hình được triển khai trên địa bàn 10 thôn/10 xã và thị trấn (xã Ba, Tư, Jơ Ngây, Mà Cooih, Tà Lu, Sông Kôn, Arooih, Za Hung , Ating và TT Prao) của huyện Đông Giang với 345 hộ tham gia. Sau 4 năm thực hiện, diện tích rừng ba kích trồng mới tăng 62,7 ha (năm 2017 trồng 12,3 ha; năm 2018 trồng 12,4; năm 2019 trồng 16,0 ha và năm 2020 trồng 22,0 ha).

Qua theo dõi mô hình thấy, cây ba kích tím trồng trong vườn nhà có độ tàn che 30 - 50%, dưới tán rừng tự nhiên và nơi ẩm thấp (gần suối) thì tỉ lệ cây sống cao (trên 80%), cây sinh trưởng, phát triển tương đối tốt. Hiện nay cây trồng từ năm 2017 và 2018 đã cho củ nhưng củ còn nhỏ vì chưa đến năm thu hoạch. Tuy nhiên diện tích ba kích tím trồng dưới tán rừng keo hay trên đất nương rẫy có độ tàn che ít (dưới 30%) thì tỉ lệ cây sống thấp hơn, cây sinh trưởng, phát triển kém hơn (đa số cây bị chết với nguyên nhân chính là do có nhiều đợt nắng nóng kéo dài trong năm).

Mô hình trồng cây ba kích tím dưới tán rừng tại thôn A Duông - TT. Prao

 

Kết quả đạt được của mô hình chưa như kỳ vọng nhưng thông qua mô hình, ý thức của người dân ở miền núi được nâng cao trong việc bảo vệ rừng, phát triển vùng nguyên liệu dược liệu bền vững trên cơ sở sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng tự nhiên và xã hội; qua đó phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển dược liệu, đẩy mạnh xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc Cơ Tu và tăng hiệu quả kinh tế hộ gia đình.

Phan Đăng Danh

Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam