Xã miền núi Trà Bình, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 150 ha đất sản xuất lúa, nhưng cứ đến vụ sản xuất Hè - Thu lại có tới gần 50 ha đất không sản xuất được do thiếu nước tưới. Trước tình trạng này, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã giao Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Trà Bồng triển khai mô hình trồng lạc trên chân đất lúa thiếu nước tưới, sản xuất kém hiệu quả nhằm giúp người nông dân tiếp cận với mô hình chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Mô hình được triển khai trên quy mô 03 ha tại cánh đồng Lẩm, thôn Bình Đông (01 ha) và cánh đồng Xoài Chữ, thôn Bình Tân (02 ha), với 34 hộ tham gia. Mô hình sử dụng giống lạc L14 có khả năng thích ứng rộng, năng suất cao, có khả năng kháng bệnh tốt và phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của huyện miền núi Trà Bồng. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống và vật tư.

Ông Nguyễn Công Thiên - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Trà Bồng cho biết: Thời gian triển khai mô hình trúng vào thời điểm nắng nóng gay gắt nhất, nên thời gian xuống giống phải lùi lại. Đặc biệt trong thời gian lạc ra hoa và giai đoạn quả non, nắng nóng kéo dài, thiếu nước tưới đã làm ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển quả sau này. Nhưng được sự quan tâm của chính quyền xã Trà Bình; cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh và huyện đã hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật kịp thời nên năng suất lạc bình quân vẫn đạt 22 tạ/ha. So với sản xuất lúa, mô hình trồng lạc L14 cho lãi cao hơn trên 15,5 triệu đồng/ha.

Tham quan, tổng kết mô hình trồng lạc L14 tại xã Trà Bình, huyện Trà Bồng

Ông Đỗ Văn Tín - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bình cho biết: Nếu như không có các mô hình chuyển đổi cây trồng cạn trên chân đất sản xuất lúa thiếu nước tưới vụ Hè - Thu, thì người nông dân sẽ bỏ hoang, bỏ phí một diện tích đất trồng lúa khá lớn. Vì vậy, trong thời gian tới UBND xã sẽ vận động người dân nhân rộng mô hình trồng lạc, đồng thời có kế hoạch đề xuất với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Trà Bồng và Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục triển khai thêm các mô hình chuyển đổi cây trồng khác như mè, các loại cây họ đậu (đậu tương, đậu đen, đậu xanh), bắp... Bởi đây là các mô hình vừa tận dụng được tiềm năng đất sản xuất nông nghiệp, giúp tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, đồng thời giúp cải tạo đất để chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông - Xuân.

Các mô hình chuyển đổi cây trồng cạn ngoài giá trị hiệu quả kinh tế, còn giúp đa dạng hóa sản phẩm, tạo nguồn nông sản dồi dào, đa dạng sản phẩm cung ứng cho thị trường vùng miền núi. Vì vậy, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi tiếp tục triển khai các mô hình chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế theo chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm./.

                                                                                  Mạnh Hùng

                                                                     Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi