Mô hình do 3 hộ dân thực hiện với quy mô 90 m3 (30 m3/hộ). Số lượng giống thả nuôi 2.250 con, kích cỡ giống > 12 cm/con, mật độ thả 25 con/m3. Tham gia thực hiện mô hình các hộ được hỗ trợ 100% chi phí con giống; 30% chi phí thức ăn, thuốc phòng bệnh và men tiêu hóa… Ngoài ra, các hộ được tập huấn về kỹ thuật nuôi cá từ khâu chuẩn bị lồng nuôi, chăm sóc, phòng trị bệnh.

Sau 8 tháng nuôi cá đạt trọng lượng bình quân 700 gam/con, tỉ lệ sống đạt 75%, sản lượng thu được 1.204 kg. Với giá bán trên thị trường 300.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu nhập của các hộ gần 100 triệu đồng.

Theo ông Huỳnh Tấn Vinh - hộ nông dân tham gia mô hình ở xã Bình Đông (Bình Sơn) cho biết mô hình này đã khắc phục được những nhược điểm mà bà con nuôi cá mú ở đây thường gặp như: nguồn cá mú giống thu gom ngoài tự nhiên nên tỉ lệ sống rất thấp, còn trong mô hình cá giống có độ đồng đều cao hơn (giống cá lấy tại Trung tâm nghiên cứu giống và dịch bệnh thủy sản thuộc Trường Đại học Nha Trang); thức ăn cho cá đảm bảo chất lượng; áp dụng theo kỹ thuật được hướng dẫn. Ngoài ra ông thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường như: nhiệt độ, độ pH, độ mặn… để không ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng của cá. Nhờ vậy cá của gia đình ông tỉ lệ sống khá cao (>75%), tăng trọng nhanh, sau 8 tháng nuôi trong lượng đạt bình quân 0,7 kg/con.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi cá mú thương phẩm trong lồng

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã tổ chức tham quan, tổng kết mô hình. Tại hội nghị ông Trần Ngọc Thương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã có ý kiến chỉ đạo:

Để tránh tình trạng được mùa mất giá như một số nông sản đã gặp trong thời gian vừa qua (cá bớp, dưa, bí đỏ…), Trung tâm Khuyến nông tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ bà con thành lập tổ hợp tác gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm và liên kết tiêu thụ. Bên cạnh đó địa phương cần phải xác định gắn kết với thương lái, doanh nghiệp, nhà hàng, siêu thị… để đầu ra sản phẩm ổn định và hiệu quả.

Hộ được chọn làm điểm trình diễn, sau khi kết thúc mô hình sẽ là những người tham gia hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho các hộ lân cận để tiếp tục nhân rộng mô hình. Về thời vụ thả nuôi cần phải thả nuôi sớm hơn để tránh mùa mưa bão (phải trước tháng 3 dương lịch hàng năm).

Xã Bình Đông huyện Bình Sơn nằm trong khu kinh tế Dung Quốc, bờ biển có khả năng thu hẹp dần để dành cho khu công nghiệp. Hiện tại trong xã có 40 hộ nuôi cá trong lồng, vùng nuôi này chưa bị ô nhiễm, độ mặn ổn định, bà con cần phải xác định lại qui trình nuôi cho phù hợp, phải chủ động con giống, thức ăn cần bổ sung thêm dinh dưỡng (ngoài thức ăn tạp) để chất lượng sản phẩm tốt hơn.

Cá mú có thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng, là đối tượng có giá trị kinh tế cao. Việc triển khai mô hình là điều kiện thuận lợi, giúp bà con phát triển nghề nuôi, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng trong việc phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên địa bàn ven biển Quảng Ngãi./

Lệ Quyên

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi