Người dân xã Sơn Linh tham quan ao nuôi cá của gia đình ông Đinh Văn Buôn

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi, mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ là chính với cá rô phi, cá chép và cá trôi thương phẩm trong ao được triển khai tại thôn Gò Da, xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà với 02 hộ dân tham gia là ông Đinh Văn Buôn và ông Trần Văn Trọng trên qui mô diện tích ao nuôi 2.000 m2, thả nuôi 5.000 con cá giống các loại, trong đó cá trắm cỏ chiếm 60%, cá trôi 10%, cá chép 5% và cá rô phi 25%. Kích cỡ giống cá trắm cỏ và cá trôi đạt 12 cm/con, giống cá chép, cá rô phi đạt kích cỡ 4 cm/con. Mật độ thả nuôi 2,5 con/m2, hộ dân tham gia thực hiện mô hình được hỗ trợ không hoàn lại 100% kinh phí mua cá giống, thức ăn và thuốc phòng trị bệnh, đồng thời cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi và Trạm Khuyến nông huyện Sơn Hà hướng dẫn kỹ thuật nuôi quảng canh cải tiến cá nước ngọt theo phương pháp cầm tay chỉ việc.

Kết quả sau 8 tháng triển khai, mô hình được đánh giá đạt hiệu quả cao, các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế và kỹ thuật đều đạt và vượt yêu cầu của phương án đề ra, tỷ lệ sống đạt trên 80%, trọng lượng bình quân cá đạt 0,55 kg/con, sản lượng đạt 2,2 tấn. Với giá cá bán hiện nay tại địa phương thì sau khi trừ các khoản chi phí, công lao động mỗi hộ gia đình tham gia mô hình còn lãi ròng 23,5 triệu đồng, tăng thêm thu nhập hơn 2,9 triệu đồng/tháng/hộ. Trong thời gian thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã tổ chức 02 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá nước ngọt cho 50 người dân xã Sơn Linh, nhằm đẩy mạnh công tác thông tin – tuyên truyền giúp người dân địa phương nắm rõ kỹ thuật nuôi cá và nhân rộng mô hình, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân miền núi xã Sơn Linh.

Ông Phan Văn Tám – Phó Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sơn Hà nhận xét: Công tác chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi cá nước ngọt thông qua mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ là chính với cá rô phi, cá chép và cá trôi là một bước tiến bộ mới trong công tác khuyến nông, phù hợp với khả năng tiếp thu của người dân miền núi. Mô hình triển khai lần này áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi cá nước ngọt quảng canh cải tiến đó là có đầu tư thức ăn công nghiệp cho cá, vì vậy cá tăng trưởng nhanh, tăng năng suất cá nuôi và tăng thu nhập kinh tế cho hộ gia đình, giúp người dân thay đổi tập quán nuôi cá quảng canh cũ lâu nay. Trong thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện Sơn Hà tiếp tục giành kinh phí triển khai mô hình nuôi cá nước ngọt quảng canh cải tiến kết hợp tập huấn tham quan mô hình tại các xã trên địa bàn huyện, giúp người dân khai thác tốt tiềm năng mặt nước sẵn có ở địa phương, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập kinh tế cho hộ gia đình, góp phần phát triển mạnh nghề nuôi cá nước ngọt trong những năm đến.

Kết luận tại buổi tổng kết mô hình, ông Ngô Hữu Hạ - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi khẳng định, mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ là chính với cá rô phi, cá chép và cá trôi thương phẩm trong ao không chỉ mang lại nguồn thực phẩm tại chỗ góp phần cải thiện bữa ăn cho gia đình, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân miền núi xã Sơn Linh. Vì vậy, mô hình cần được nhân rộng nhằm khai thác tối đa tiềm năng mặt nước có khả năng nuôi thủy sản nước ngọt, giúp tăng thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới./.

Mạnh Hùng

TTKN Quảng Ngãi