Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất rau an toàn đạt kết quả cao và đã được nhân rộng ở nhiều địa phương khác nhau trên địa bàn tỉnh.

Năm nay, mô hình được triển khai tại xã Bình Trung, huyện Bình Sơn; người dân khi tham gia thực hiện mô hình được nhà nước hỗ trợ 70% giống, vật tư và tập huấn hướng dẫn kỹ thuật thực hiện mô hình. Kỹ thuật mới được áp dụng trong mô hình như trồng rau có phủ bạt, sử dụng giống mới kháng sâu bệnh, có năng suất, chất lượng tốt (dưa leo F1 FAM 559 và giống khổ qua Chia Tai Diamond VN 400); sử dụng phân bón hợp lý, cân đối; đặc biệt nông dân khi tham gia mô hình được tiếp cận một số loại thuốc BVTV mới được sử dụng trên cây rau như: thuốc trừ sâu sinh học, thảo mộc, thuốc phòng trừ bệnh có độ độc nhóm III, IV… nhằm tạo ra sản phẩm an toàn bảo vệ sức khỏe và giảm ô nhiễm môi trường.

Xứ đồng Đồng Trảng, thôn Phú Lễ 2, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, được người dân đánh giá là vùng đất chuyên màu, nguồn nước dồi dào vào mùa nắng nóng và không bị ngập úng vào mùa mưa nên rất phù hợp cho việc canh tác rau màu quanh năm. Chính vì thế, ruộng rau của mô hình sau hơn 2 tháng trồng, chăm sóc cây dưa leo, khổ qua phát triển tốt, sâu bệnh xuất hiện ở mức độ nhẹ, không gây ảnh hưởng gì đến năng suất cũng như chất lượng của sản phẩm. So với trước đây việc trồng rau, màu trên đất ruộng chỉ với qui mô nhỏ, không tập trung, người dân phải tự ra chợ bán nhưng giờ đây những cánh đồng trồng rau, màu được trồng liên vùng với qui mô lớn được nhiều thương lái biết đến dần thể hiện rõ sản xuất theo hướng hàng hóa của địa phương.

Anh Cao Văn Thân chia sẻ: “Khi tham gia thực hiện mô hình tôi có cơ hội nắm bắt kỹ thuật mới từ khâu làm đất, bón phân, gieo trồng, thiết kế hàng, phủ bạc, kiểm soát lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, tình hình sâu bệnh…, đúng như khuyến cáo và hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, tôi cố gắng áp dụng và làm theo  tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn, đáp ứng thị trường tiêu thụ”.

Anh Thân chia sẻ thêm: “So với phương pháp trồng rau truyền thống thì rau trồng theo mô hình an toàn sẽ sạch hơn, đẹp hơn, cho năng suất cao hơn, lợi nhuận hơn vì giảm được lượng phân thuốc trừ sâu, giảm lượng hóa chất. Tính đến thời điểm hiện tại (hơn 2 tháng xuống giống 22/3 - 25/5/2022), cây khổ qua và dưa leo của hộ đã cho thu hoạch rộ, bình quân mỗi ngày gia đình thu được từ 270 – 300 kg đối với khổ qua và từ 150 – 200 kg dưa leo. Nhìn chung năng suất cây khổ quav à dưa leo năm nay rất đạt so với mọi năm”. Sau thu hoạch 1/3 thời gian, sản lượng cây khổ qua đạt 3.600 kg và 5.592 kg đối với dưa leo, với giá bán hiện nay tại ruộng 11.800 đồng/kg khổ qua và 10.700 đồng/kg dưa leo, sau khi trừ mọi chi phí, nông dân còn lãi được hơn 80 triệu đồng. Có thể thấy, mô hình đã giải quyết công ăn việc làm cho một số hộ nông dân và tạo ra nguồn thu nhập ổn định hơn.

Nông dân tham quan mô hình khổ qua, dưa leo

 

Bà Trương Thị Thu Ngân – cán bộ kỹ thuật của Trung tâm, người trực tiếp chỉ đạo kỹ thuật mô hình cho biết: Với mục tiêu chuyển giao kỹ thuật và giúp cho bà con nông dân tiếp cận kỹ thuật mới trong sản xuất rau an toàn. Hộ nông dân tham gia mô hình đã phối hợp rất tốt: siêng năng, chịu khó, ham học hỏi, áp dụng rất tốt kỹ thuật mới đúng theo hướng dẫn nên mô hình đạt hiệu quả tốt và cho năng suất cao, được bà con nông dân trong vùng quan tâm và hưởng ứng.

Ông Huỳnh Văn Tuấn – Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Bình Trung cho biết: Hiện nay nhu cầu sử dụng rau sach, an toàn của mọi gia đình rất lớn, không những đảm bảo sức khỏe cho con người mà còn góp phần vào bảo vệ môi trường sinh thái bền vững hơn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Chính quyền địa phương rất cảm ơn Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã quan tâm tạo điều kiện để bà con nông dân tiếp cận mô hình mới và có thể nhân rộng hơn nữa trong các năm tiếp theo, giúp cho bà con nông dân xã Bình Trung nâng cao đời sống trên chính mảnh đất quê hương mình.

Để nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn, hướng tới nền nông nghiệp sạch, bền vững ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, Trung tâm đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người nông dân hiểu rõ hơn lợi ích sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn mang lại. Đồng thời, chính quyền địa phương có chính sách thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy, áp dụng rộng rãi mô hình rau an toàn, từng bước hình thành chuỗi hệ thống phân phối thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong thời gian tới./.

Huyền Hương

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi