Tuy nhiên, do phần lớn được quy hoạch trồng từ giai đoạn 1994 – 1995 nên hiện nay trên địa bàn huyện có gần 2.400 ha cà phê trồng trước năm 2000, chiếm 53% diện tích cà phê toàn huyện. Đây là diện tích cà phê già cỗi, cần được phục hồi do năng suất và chất lượng cà phê thấp. Mặc dù vậy, theo người dân trồng cà phê, việc phục hồi những vườn cà phê già cỗi này gặp rất nhiều khó khăn như: thiếu quy trình kỹ thuật, nguồn giống trồng mới không bảo đảm, chi phí lớn khi phải phá đi phần lớn diện tích để tái canh trồng mới lại.

Trước thực tế đó, với mục tiêu trẻ hóa vườn cà phê chè già cỗi, năng suất thấp. Trong thời gian 3 năm từ 2014 – 2016, Trạm Khuyến nông huyện Hướng Hóa đã triển khai “Mô hình phục hồi vườn cà phê già cỗi bằng phương pháp đốn đau” trên diện tích 2 ha tại xã Tân Hợp và thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) với 4 hộ tham gia.

                      Mô hình phục hồi vườn cà phê già cỗi bằng phương pháp đốn đau                    tại Thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê thực hiện mô hình “đốn đau” của gia đình mình, ông Mai Văn Xuân ở Thị trấn Khe Sanh vừa cho biết: Gia đình ông có 1 ha trồng cây cà phê chè trên 13 năm tuổi. Mặc dù đã đầu tư chăm sóc rất kỹ nhưng trong khoảng 3 năm trở lại đây năng suất của cây cà phê rất thấp, chỉ từ 6 – 8 tấn quả tươi/ha/năm. Hơn nữa, do vườn cà phê đang vào giai đoạn già cỗi nên sức đề kháng của cây yếu, sâu bệnh nhiều, hàng năm chỉ riêng thuốc bảo vệ thực vật đã tiêu tốn của ông từ 1,5 – 2 triệu đồng. Nhiều lần gia đình đã định phá bỏ để trồng lại, nhưng chưa có điều kiện. Đầu năm 2014, dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật ông tiến hành cưa 0,5 ha cà phê già cỗi của gia đình mình, chỉ để lại cách gốc khoảng 20cm. Cây cưa đốn xong ông cuốc rãnh bỏ phân xanh, phân vi sinh và rắc vôi bột để tạo màu, giảm độ chua cho đất, qua đó kích thích cây cà phê sinh trưởng nhanh. Chỉ sau hơn 18 tháng những cây cà phê trơ gốc ngày nào đã phát triển như cây cà phê trồng mới năm thứ 3 và bắt đầu cho trái, sản lượng đạt hơn 5,2 tấn, tương đương năng suất 10,4 tấn/ha. Đến nay sau 3 năm thực hiện mô hình, vườn cà phê của ông đã bước vào chu kỳ kinh doanh năm thứ nhất, sản lượng dự kiến đạt 11 tấn quả tươi, tương đương năng suất 22 tấn/ha. Với giá bán hiện nay khoảng 8.000 đ/kg thì sau khi trừ chi phí cho toàn bộ 3 năm cưa đốn và chăm sóc ông thu lãi được gần 30 triệu đồng.

Ông Xuân chia sẽ: Trên địa bàn này đã có một số hộ tái canh trồng mới cà phê tuy nhiên do vùng đất này trồng cà phê đã nhiều năm nên đất đai đã bị nhiễm các loại nấm bệnh, sâu bệnh hại. Khi tái canh trồng mới thì cây chết rất nhiều, thậm chí đến năm thứ 3, đang cho thu bói rồi vẫn có cây chết. Còn với các cây cưa đốn do có bộ rễ hoàn thiện ngay từ đầu, đã quen với đất nên cây vẫn phát triển tốt.

Theo kinh nghiệm của ông, sau khi cưa đốn cần phải cày xới giữa luống giúp đất thông thoáng, dùng dao hoặc cuốc chặt bớt rễ xung quanh cây để kích thích cây tạo rễ mới nhiều. Đồng thời để cây phát triển tốt cần tăng cường bón phân gấp từ 2 – 3 lần so với tái canh trồng mới. Sau cưa đốn 1 năm nên dùng dây cột 2 thân nhánh lại với nhau để chống gãy đổ. Một cây chỉ nên để lại từ 2 – 3 thân nhánh để cây có dủ khả năng nuôi thân. “Bên cạnh cho năng suất cao, vườn cà phê thực hiện mô hình “đốn đau” này còn có khả năng chịu hạn cao và ít bị các đối tượng sâu, bệnh phát sinh gây hại. Trong thời gian tới tôi sẽ áp dụng phương pháp cải tạo trẻ hóa này ra toàn bộ diện tích trồng cà phê còn lại của gia đình mình”, ông Xuân nói.

Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư Hoàng Công Chẩu – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Hướng Hóa cho biết: “Đốn đau” là thuật ngữ chỉ kỹ thuật cưa đốn triệt để nhằm cải tạo làm trẻ hóa cơ bản vườn cây cà phê già cỗi. Vườn cà phê có thể tiến hành cưa đốn là vườn có độ tuổi từ 12 năm trở đi, bộ rễ còn khỏe, năng suất dưới 10 tấn/ha và không tăng theo nhiều năm. Theo đó cây cà phê già cỗi được cưa toàn bộ thân chỉ để lại đoạn gốc cách mặt đất 15 – 20 cm. Mặt cắt xiên 45 độ theo hướng Nam nhằm tránh các hướng gió mùa Đông Bắc và Tây Nam.

Thời gian cưa đốn tốt nhất là trong tháng 2 hàng năm. Sau khi cưa xong phải thu dọn sạch vườn cây, rãi vôi khử trùng, cày hoặc cuốc toàn bộ mặt đất trong vườn cách gốc cây cà phê khoảng 30 cm nhằm cắt đứt rễ già, tạo rễ mới phát triển. Sau khi cưa đốn phải tăng cường bón phân chuồng, phân vi sinh và phân NPK vào các thời điểm đầu mùa mưa (tháng 4 – 5), giữa mùa mưa (tháng 7 – 8) và cuối mùa mưa (tháng 10 – 11) để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho nhu cầu của cây, giúp cây phát triển tốt.

Qua theo dõi tại các mô hình trình diễn, từ năm chăm sóc thứ 2 cây đã đạt chiều cao ổn định từ 145 – 150 cm, năng suất thu bói đạt từ 2 – 2,5 kg/cây, tương đương 8,4 – 10,5 tấn quả tươi/ha. Đến năm thứ 3 sau cưa đốn tất cả các vườn đều cho năng suất trên 20 tấn/ha, đảm bảo có lãi cho người trồng cà phê. Trong khi với các vườn tái canh trồng mới thì thời điểm này mới bắt đầu cho thu bói.

Ông Nguyễn Trung Hậu – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá: Mô hình cải tạo vườn cà phê già cỗi bằng phương pháp đốn đau do Trạm Khuyến nông huyện Hướng Hóa thực hiện phù hợp với điều kiện địa phương, dễ thực hiện và ít tốn kém. Cây cà phê cho cho thu hoạch bói từ năm thứ 2 và ổn định từ năm thứ 3 trở đi với năng suất hơn 20 tấn/ha. Sau khi cải tạo có thể thu hoạch thêm trong vòng 7 - 8 năm mới phải thay thế.

Với hơn 2.400 ha cà phê đã qua chu kỳ khai thác và xuống cấp, năng suất đạt thấp trong khi việc tái canh trồng mới tốn nhiều chi phí thì việc nhân rộng mô hình này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con trồng cà phê trên địa bàn huyện. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Hướng Hóa để có những chủ trương, chính sách hỗ trợ bà con nông dân nhằm nhân rộng mô hình này một cách tập trung và có quy mô đồng bộ trên toàn huyện”, ông Hậu cho biết.

Thục Quyên