Qua gần 1 năm thực hiện với phương thức phát triển cộng đồng dựa vào nội lực đã mang lại kết quả tích cực. Các mô hình sáng kiến xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, từ nhu cầu thực tế của cộng đồng đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân ở đây.

Dự án được triển khai tại 8 xã: Đakrông, Hướng Hiệp, Mò Ó và Tà Long, huyện Đakrông; xã Húc, Hướng Lộc, xã Thanh và xã Xy, huyện Hướng Hóa. Các hoạt động chính của dự án: Khảo sát thực địa để đưa ra định hướng quy hoạch vùng trồng nghệ, nuôi dê, nuôi gà và thiết kế kỹ thuật các mô hình; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật và giám sát việc thực hiện mô hình ở các xã; nâng cao năng lực quản lý cho các nhóm về sản xuất theo định hướng thị trường; tập huấn về lập kế hoạch kinh doanh trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ đối thoại giữa các nhà kinh doanh, người bán dạo, các bên liên quan đến chuổi giá trị với nông dân; xây dựng tài liệu hóa những mô hình thành công và bài học kinh nghiệm.

Với phương châm là “cho cần câu hơn cho xâu cá”, thông qua các hoạt động can thiệp thiết thực bằng việc tập huấn cầm tay chỉ việc, xây dựng các mô hình, dự án “phát triển kinh tế giảm nghèo” chủ yếu là dựa vào nội lực, nguồn lực tại chỗ của các hộ dân. Từ khi triển khai dự án đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế thiết thực ra đời và được áp dụng vào thực tế có hiệu quả như: mô hình nuôi dê bản, mô hình nuôi gà bản, mô hình nuôi gà thả vườn bán chăn thả…

Trong quá trình triển khai, dự án đã tổ chức được 8 lớp tập huấn cho 200 học viên. Trong đó có 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho các nhóm về sản xuất theo định hướng thị trường với 60 học viên tham gia; 2 lớp tập huấn về lập kế hoạch kinh doanh trong sản xuất nông nghiệp với 70 học viên tham gia. Với phương pháp tập huấn “cầm tay chỉ việc” đã giúp cho học viên dễ dàng tiếp thu các vấn đề về kỹ thuật nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế, nâng cao thu thập. Đến nay đã có 105 mô hình chăn nuôi dê với 127 hộ tham gia, nuôi 186 con dê. Mô hình chăn nuôi gà có 38 mô hình  với 52 hộ tham gia,  nuôi 1.360 con gà.

Mô hình nuôi gà tại gia đình chị Hồ Thị Muôn, thôn Khe Ngài, xã Đakrông

Anh Hồ Văn Phẩy, thôn Ta nua, xã Xy, huyện Hướng Hóa được dự án hỗ trợ 2 con dê, nhờ tham gia tập huấn mà anh đã biết áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi dê vào thực tế một cách hiệu quả. Giờ đây anh đã có ý thức hơn trong việc tận dụng những sản phẩm và phế phụ phẩm nông nghiệp sẵn có để phục vụ chăn nuôi. Tiếp xúc với chúng tôi, anh Phẩy chia sẻ: “Trước đây nuôi dê mình chưa biết làm chuồng, giờ có cán bộ giúp đỡ mình đã biết cách làm chuồng và chăm sóc dê, dê to béo, mình vui lắm”

Ngoài ra khi tham gia các hoạt động của dự án, các hộ dân đã hiểu được tầm quan trọng trong sản xuất theo nhóm; trang bị những kiến thức và kỹ năng thực tế trong tổ chức và điều hành các nhóm nông dân; giúp họ hiểu được tại sao phải thành lập nhóm, sản xuất theo nhóm có lợi ích gì so với sản xuất cá nhân riêng lẻ.

Kết quả bước đầu cho thấy, các mô hình sáng kiến cộng đồng chăn nuôi dê và chăn nuôi gà là những mô hình phù hợp với người dân nơi đây. Với phương thức phát triển cộng đồng dựa vào nội lực đã mang lại kết quả tích cực. Ý thức và hành vi của người dân đã thay đổi từ việc chăn nuôi thả rông sang chăn nuôi có đầu tư chuồng trại, biết chăm sóc, phòng trị bệnh nên đàn vật nuôi tăng trọng nhanh, tỷ lệ mắc bệnh giảm hẳn.

Ông Hồ Văn Sáu, Phó chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông cho biết: Đây là những mô hình hay, qua một thời gian triển khai tôi thấy các mô hình đều phù hợp với bà con đồng bào trên địa bàn xã. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho Đảng Ủy, Ủy ban để đưa vào nghị quyết nhằm nhân rộng các mô hình sản xuất này với mục đích giúp bà con vươn lên làm giàu bền vững”.

Với cam kết và quyết tâm cao của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội và người dân nơi đây, chắc chắn công cuộc giảm nghèo, giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao vị thế của người phụ nữ  nói riêng và các đối tượng yếu thế trong cộng đồng nói chung sẽ thu được nhiều kết quả khả quan hơn nữa trong tương lai.

Phan Việt Toàn

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị