Trước tình hình đó, việc chuyển đổi đất lúa không chủ động nước tưới, năng suất thấp sang gieo trồng một số cây trồng có khả năng chịu hạn, hoặc sử dụng ít nước nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao là giải pháp cần thiết và tối ưu. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, vụ Hè Thu 2018, Trạm Khuyến nông huyện Cam Lộ đã triển khai mô hình chuyển đổi sản xuất trên chân đất trồng lúa không chủ động nước tưới, năng suất thấp bằng các giống đậu xanh mới có năng suất, giá trị cao và đã thu được những kết quả hết sức khả quan.

Mô hình được triển khai tại thôn Quật Xá, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, trên diện tích 5 ha, với giống đậu xanh ĐX 208. Các hộ tham gia mô hình được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ 100% giống và 30% vật tư phân bón. Với phương pháp tập huấn tại hiện trường, cán bộ kỹ thuật của Trạm đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trong suốt quá trình thực hiện mô hình.

Tham quan mô hình

Gia đình ông Nguyễn Đình Cải ở thôn Quật Xá, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ có 2,5 sào đất ruộng hàng năm chỉ trồng được lúa trong vụ Đông Xuân, còn vụ Hè Thu do không có nước tưới nên gia đình ông bỏ hoang. Vụ Hè Thu năm nay, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng cây đậu xanh ĐX 208. Nhờ được cán bộ khuyến nông hướng dẫn nhiệt tình, chăm sóc tốt nên ruộng đậu xanh của gia đình ông cho năng suất cao, đạt 1 tạ/sào. Ông Cải cho biết “Nhờ sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện Cam Lộ mà những vùng đất hoang hóa trong vụ Hè Thu của gia đình tôi và các gia đình trong địa phương đã đưa vào trồng cây trồng cạn cho năng suất cao, nâng cao thu nhập. Việc chuyển sang cây trồng cạn đã rút ngắn được mùa vụ, tiết kiệm nước tưới, ngoài ra còn hạn chế cỏ dại và cải tạo đất”.

Theo tính toán, so với cây lúa thì nhu cầu nước tưới của cây trồng cạn  như đậu xanh chỉ bằng 1/3 – 1/2, trong khi thu nhập mang lại tương đối cao, trung bình 1 ha sẽ mang lại nguồn thu trên 40 triệu đồng. Được biết cây đậu xanh dễ tính nhưng thích hợp nhất vẫn là đất thịt nhẹ, đất phù sa, mặt khác trên những ruộng lúa vụ Hè Thu không chủ động nước chuyển sang làm đậu xanh cũng cho hiệu quả rõ rệt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Hồng Phong, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Cam Lộ cho biết một số kỹ thuật cần lưu ý trong quy trình trồng chăm sóc cây đậu xanh: Cây đậu xanh là cây không chịu ngập úng, vì vậy biện pháp lên luống là bắt buộc. Tùy theo địa thế để lên luống rộng, hẹp, cao hoặc thấp, đặc biệt các chân đất không bằng phẳng cần chú ý vấn đề rãnh thoát nước rộng 30- 35cm, mặt luống rộng tùy theo chân đất. Đối với chân đất thoát nước tốt, lên luống có chiều rộng khoảng 2,5- 3 m, cao 20- 25 cm; chân đất thoát nước kém, lên luống rộng 1m, cao 30-40 cm. Lên luống xong rạch hàng sâu 10- 12 cm, hàng cách hàng 30- 40 cm, bón phân, lấp đất rồi gieo hạt, không được gieo hạt trực tiếp lên phân.

Về mật độ và khoảng cách: Mật độ phổ biến khoảng 12- 16 cây/m2 ; Khoảng cách: gieo hàng cách hàng 30- 40cm, cây cách cây 18- 20 cm (gieo 2- 3 hạt/hốc, đậu mọc đều tỉa để 1- 2 cây/hốc); một sào nên gieo dự phòng vào khoảng trống 2- 3 hàng để dặm. Để đảm bảo mật độ cho 1ha cần khoảng 20 kg giống (1kg/sào 500m2).

Về lượng phân và cách bón: Cây đậu xanh có thời gian sinh trưởng ngắn nên chủ yếu tập trung bón lót. Đối với diện tích 1 ha: Bón lót 500 kg vôi + 6-8 tấn phân hữu cơ + 325 kg lân (Vôi rải đều trước khi bừa lần cuối để gieo); Bón thúc lần 1: Khi cây có 1- 2 lá thật (10-15 ngày sau gieo): Bón 60 kg đạm +  40 kg Kali, kết hợp xới nhẹ; Bón thúc lần 2: Khi cây có 4-5 lá thật (25- 30 ngày sau gieo): Bón 60 kg đạm +40 kg Kali, vãi đều giữa 2 hàng đậu, kết hợp xới, vun cao chống đổ.

Về chăm sóc và tưới tiêu: Vụ Hè Thu, sau khi gieo khoảng 3-5 ngày thì cây mọc; sau gieo 13- 15 ngày thì tiến hành xới xáo, phá váng, diệt cỏ dại làm cho đất thông thoáng, bộ rễ phát triển xung quanh; sau gieo 25- 30 ngày (trước lúc cây ra hoa) tiến hành xới xáo sâu 5- 7cm, xới cách gốc 7- 10 cm, kết hợp với bón phân, đồng thời vun cao gốc 10- 15cm. Giai đoạn này nếu có điều kiện thì tưới thấm 1 đợt và khi tưới xong phải rút nước ngay. Lần tưới này nâng cao số hoa và tỷ lệ đậu quả. Đậu xanh có khả năng chịu hạn khá, nhưng chịu úng kém, để đạt năng suất cao cần đảm bảo độ ẩm đất trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây, đặc biệt vào giai đoạn đậu xanh ra hoa, đậu quả.

Tiếp xúc vói chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hảo- Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành chia sẻ: Việc chuyển đổi các diện tích đất lúa thiếu nước sang trồng các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao do Trạm Khuyến nông huyện Cam Lộ triển khai là một chủ trương đúng đắn. “Mô hình đã tạo được bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, góp phần mang lại hiệu quả trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo hướng sản xuất bền vững cho địa phương. Với vai trò Chủ tịch Hội nông dân tôi sẽ khuyến cáo hội viên thực hiện canh tác theo phương pháp và quy trình mà Trạm Khuyến nông đã triển khai” - bà Hảo nói.

Từ hiệu quả của mô hình, trong thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện Cam Lộ sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình.

Phan Việt Toàn

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị