Trước tình hình đó, với mục tiêu giúp bà con nông dân nắm vững được quy trình kỹ thuật, sử dụng các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao nhằm nâng cao trình độ thâm canh, tăng hiệu quả sản xuất, chủ động lương thực và giảm áp lực lên khai thác tài nguyên rừng, góp phần bảo vệ và phát triển rừng, vụ đông xuân 2016 – 2017, Trung tâm Khuyến nông (KN) tỉnh đã triển khai mô hình trồng thâm canh cây lúa nước tại các xã Linh Thượng (huyện Gio Linh), Tân Thành, Hướng Linh, Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) trên diện tích 12 ha. Mô hình đã thu được những kết quả hết sức khả quan, tạo ra bước đột phá mới trong sản xuất lúa của địa phương.

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm ruộng lúa của gia đình mình, chị Hồ Thị Bái ở tại thôn Khe Me (xã Linh Thượng) vừa mừng rỡ cho biết, gia đình chị có 3 sào đất ruộng hằng năm trồng giống lúa IR38. Tuy nhiên do làm không đúng kỹ thuật, ít quan tâm chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh nên năng suất thu được không cao. Khi tham gia thực hiện mô hình của Trung tâm KN tỉnh, chị được hỗ trợ giống lúa mới Thiên Ưu 8, được hướng dẫn bón phân đúng thời điểm nên cây lúa phát triển tốt hơn, ít sâu bệnh hơn.

“Hồi trước gia đình mình làm lúa chủ yếu là “nhờ trời”, cứ đến vụ thì gieo lúa xuống, khi nào thấy lúa chín thì cắt về. Không bón phân, không chăm sóc chi hết nên cây lúa còi cọc, hay bị sâu bệnh. Năm nào được mùa lắm thì thu được khoảng hơn 3 tạ. Khi làm theo mô hình này mình được họ cho lúa giống, phân bón, được hướng dẫn chăm sóc nên cây lúa phát triển tốt. Với 3 sào ruộng này mình thu được hơn 7 tạ. Năm nay không còn phải lo thiếu ăn nữa rồi. Mình mừng lắm”, chị Bái chia sẻ.

Mô hình trồng thâm canh lúa nước tại xã Linh Thượng

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Loan – Trưởng thôn Khe Me (xã Linh Thượng) cho biết: Thôn Khe Me có tổng diện tích đất tự nhiên là 200 ha, trong đó diện tích đất trồng lúa chỉ có 16 ha. Do ảnh hưởng của địa hình nên ruộng nhỏ, manh mún, độ cao không đồng đều, không chủ động nước. Bên cạnh đó do người dân chủ yếu sử dụng các giống lúa như IR38, IR35366, Xi23... nên năng suất thu được không cao, bình quân chỉ đạt xấp xỉ 30 tạ/ha. Vụ đông xuân này chúng tôi được Trung tâm KN hỗ trợ thực hiện mô hình trên diện tích 2 ha. Tham gia mô hình các hộ nông dân được hỗ trợ toàn bộ giống lúa, phân bón, được hướng dẫn cách chăm sóc lúa, cách ủ phân hữu cơ để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho cây lúa. Đặc biệt lần đầu tiên người dân được sử dụng công cụ sạ hàng để gieo sạ lúa nên đã giảm được lượng giống gieo từ 6 – 7 kg/sào xuống còn 3,5 – 4 kg/sào. Nhờ thực hiện đúng kỹ thuật nên năng suất lúa thu được tăng lên rõ rệt. Bình quân đạt từ 56 tạ/ha, cao hơn so với trước đây từ 24 – 26 tạ/ha.

Trước kia bà con mình canh tác theo cách cũ, không bón phân, không chăm sóc gì cả. Từ ngày có mô hình bà con nông dân mình được đầu tư lúa giống, rồi phân bón, được hướng dẫn cách chăm sóc và bón phân đúng thời điểm cho nên thu được nhiều lúa hơn. Một sào trước đây bà con mình chỉ thu được từ khoảng một tạ rưỡi (1,5 tạ) lúa giờ thu được hơn hai tạ rưỡi (2,5 tạ)”, ông Loan vui mừng cho biết.

Tương tự như vậy tại xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa), đến thăm gia đình ông Hồ Deng – một hộ dân người dân tộc Vân Kiều ở tại thôn Cheng. Ngôi nhà gỗ, mái lá nằm chênh vênh giữa lưng chừng núi nhưng phía trong nhà dành riêng một góc để chứa thóc. Nhìn những bao lúa được buộc chặt xếp gọn gàng ở góc nhà đủ để cảm nhận được người dân vùng cao không còn bị cái đói “đeo bám” như trước.

Ông Hồ Deng cho biết: “Nhà tôi có 7 sào ruộng lúa, trước đây sử dụng giống Xi23, năm nào được mùa lắm thì 1 sào cũng chỉ thu được từ 1,5 – 1,8 tạ. Từ khi thực hiện mô hình mình được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách sạ hàng, cách chăm sóc lúa, được hỗ trợ phân bón, giống lúa mới. Nhờ vậy mà mình thu được nhiều lúa hơn, 1 sào cũng phải được từ 2,5 tạ trở lên. Gạo ăn lại ngon hơn. Đối với người dân sống ở đây để có lương thực ăn cho no cái bụng lúc giáp hạt đã là khó, nói gì đến lúa để dành. Thế mà bây giờ, người Vân Kiều ở thôn Cheng mình đã làm được điều đó. Mình sẽ để lại một phần còn lại bán để lấy tiền cho con cháu ăn học”.

Theo ông Phan Ngọc Long – Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng: Từ lâu người dân ở xã Hướng Phùng đã biết trồng lúa nước, tuy nhiên do địa hình đồi núi, nguồn nước không chủ động nên hằng năm chỉ trồng được 1 vụ. Theo tập quán của người dân thì chỉ cày xong là gieo lúa xuống, không bón phân lót, không dùng phân chuồng, phân ủ mà chỉ dùng một ít phân đạm và kaly để bón thúc khi thấy ruộng lúa sinh trưởng quá kém. Ngoài ra do nguồn giống chủ yếu lấy và giữ lại từ ruộng ở các vụ trước (thường gọi là thóc thịt) đã bị thoái hóa nên sâu bệnh nhiều, năng suất, chất lượng kém. Vì vậy năng suất lúa bình quân của toàn xã chỉ đạt khoảng 37 tạ/ha, không đủ đáp ứng cho nhu cầu hằng ngày của người dân. Khi thực hiện mô hình trồng lúa nước theo hướng dẫn của Trung tâm KN tỉnh năng suất lúa tăng lên rõ rệt, bình quân đạt hơn 52 tạ/ha.

Mô hình trồng lúa nước do Trung tâm KN tỉnh chỉ mới triển khai trên diện tích 4 ha ở 2 thôn Cheng và Bụt Việt của xã Hướng Phùng. Từ thành công này, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm KN tỉnh, Trạm KN huyện để có những chính sách hỗ trợ nhằm nhân rộng mô hình này ra toàn xã”, ông Long cho biết.

Ông Phan Ngọc Đồng – Phó giám đốc Trung tâm KN tỉnh cho biết: Do ảnh hưởng của địa hình, khó khăn về nguồn nước nên thời vụ trồng lúa nước của người dân ở các địa phương này chậm hơn so với toàn tỉnh. Bên cạnh đó do canh tác chủ yếu là theo kinh nghiệm nên năng suất thu được không cao. Chất lượng gạo thấp. Để thực hiện thành công mô hình các cán bộ khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở đã nghiên cứu lựa chọn giống, cơ cấu mùa vụ, cách chăm sóc cụ thể để phù hợp với địa hình và thổ nhưỡng của từng vùng. Song song với đó là các hoạt động tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật để người dân nắm vững quy trình canh tác lúa. Nhờ vậy năng suất lúa ở các điểm thực hiện mô hình đều tăng lên rõ rệt. Bên cạnh các xã Linh Thượng, Hướng Phùng thì tại các điểm thực hiện mô hình tại xã Tân Thành năng suất lúa cũng tăng từ 21,8 tạ/ha lên thành 41,9 tạ/ha, tại xã Hướng Linh cũng tăng từ 22,4 tạ/ha lên thành 42,5 tạ/ha. Không chỉ năng suất tăng lên mà chất lượng gạo cũng ngon hơn.

Có thể nói mô hình trồng thâm canh cây lúa nước bước đầu đã có những kết quả tích cực, góp phần vào việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong thời gian tới để cây lúa nước thực sự trở thành người bạn thân thiết của người dân vùng cao, Trung tâm KN tỉnh sẽ tiếp tục cử cán bộ hỗ trợ để duy trì mô hình này. Đồng thời tiếp tục đưa các tiến bộ kỹ thuật, các giống lúa mới năng suất cao, chất lượng tốt vào sử dụng để tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. “Nếu diện tích trồng lúa nước theo mô hình này được mở rộng thì chắc chắn tình trạng thiếu lương thực ở vùng cao sẽ được khắc phục”, ông Đồng chia sẻ.

Thục Quyên