Theo nắm bắt thì tỷ lệ gỗ nhỏ ra thị trường chiếm tới 95%, trong khi đố gỗ xẻ chỉ chiếm tỷ lệ 5% mà chất lượng gỗ xẻ cũng rất thấp: nhiều mắt sẹo, gỗ non, chưa đáp ứng sự mong đợi của nhà chế biến. Bên cạnh đó, người dân chưa chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng rừng theo mật độ dày, ít chăm sóc nên hiệu quả kinh tế còn thấp. Trước thực trạng đó, từ năm 2014, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng mô hình trình diễn “Trồng rừng thâm canh cây keo lai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng gỗ” nhằm hướng đến cung cấp gỗ xẻ có chất lượng cao, với diện tích thực hiện đến nay là 25 ha, trên 5 điểm thuộc huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, thị xã Quảng Trị và TP. Đông Hà.

Qua gần 4 năm triển khai, mô hình đã mang lại kết quả bước đầu rất khả quan như cây keo lai có tốc độ sinh trưởng nhanh, chất lượng gỗ tốt, đặc biệt khả năng thích nghi rộng trên các điều kiện lập địa khác nhau.

Để triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức 5 lớp tập huấn trồng rừng trong năm thứ nhất; 5 lớp tập huấn chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng trong năm thứ 2, với hơn 120 học viên tham gia/năm, gồm các hộ tham gia mô hình và cộng đồng. Sau khi tiến hành trồng, Trung tâm Khuyến nông đã cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, cùng với các hộ trồng dặm, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng. Cây keo lai với đặc tính là phân cành sớm, cây đa thân, nhiều cành nhánh, sinh khối lá lớn nên kỹ thuật tỉa cành để nâng cao chất lượng gỗ được cán bộ kỹ thuật chú trọng để hướng dẫn bà con.

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra mô hình keo lai ở xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ

Mô hình áp dụng trồng với mật độ phù hợp 1.660 cây/ha nên cây sinh trưởng phát triển tốt, ít cạnh tranh dinh dưỡng, tăng trưởng mạnh về chiều cao thân và đường kính, độ chắc của gỗ sau 5 năm trở đi; công tác xử lý thực bì không đốt mà xếp dọn theo băng để hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, ngăn chặn nguy cơ cháy rừng, giảm thiểu ô nhiễm do đốt thực bì, tăng độ phì của đất; kỹ thuật đào hố bằng máy múc hố giúp cây sinh trưởng khỏe, rễ ăn sâu.

Tiếp xúc với chúng tôi ông Tạ Phước, Phó chủ tịch UBND xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ cho biết: “Xã chúng tôi có diện tích trồng rừng keo lai gần 1.000 ha, với diện tích 5 ha mô hình trồng rừng thâm canh cây keo lai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng gỗ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai. Đây là mô hình có hiệu quả, giúp bà con tham quan học tập, áp dụng để nâng cao kinh tế gia đình. Chúng tôi rất mong muốn Trung tậm Khuyến nông tỉnh tiếp tục cử cán bộ kỹ thuật về chỉ đạo cùng với địa phương những phần việc còn lại để đánh giá hiệu quả kinh tế, có phương hướng nhân rộng mô hình này”.

Sau 2 năm triển khai, năm 2016 Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức hai cuộc hội nghị sơ kết đánh giá mô hình với hơn 60 đại biểu tham gia. Tham dự hội nghị, đi tham quan thực tế tại mô hình, các đại biểu đã đánh giá cao những kết quả bước đầu của các giải pháp kỹ thuật mang lại cho cây trồng trong mô hình: Lượng thảm mục trên đất tốt hơn, đất mặt tơi xốp hơn, nhìn mắt thường đã thấy rõ khi so sánh với các lô rừng người dân phát đốt thực bì; với mật độ 1.660 cây/ha, sau 2 năm cây bắt đầu có sự giao tán, cạnh tranh để phát triển chiều cao; đặc biệt bón lót phân vi sinh hữu cơ đã khẳng định được tỷ lệ thành rừng rất cao đạt trên 95%, loại trừ được hiện tượng cây chết do bón lót phân NPK trước đây vẫn thường xảy ra; với các giải pháp tỉa cành, tỉa ngọn, tỉa cây đa thân đã có tác động nâng cao được chất lượng gỗ, cây phát triển đều hơn, ít cành nhánh sẽ nâng cao hiệu suất sử dụng gỗ và ít mắt sẹo sẽ cho ra chất lượng gỗ xẻ cao hơn.

Để chuẩn bị tốt cho công tác tỉa thưa chuyển hóa rừng, năm 2017, Trung tâm đã tổ chức cho các hộ tham gia mô hình đi tham quan mô hình chuyển hóa rừng từ rừng trồng gỗ nhỏ sang thực hiện gỗ lớn tại HTX Phú Hưng, huyện Hải Lăng. Qua đó biết được giá trị rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC, tạo niềm tin vững chắc cho các hộ để bắt tay vào thực hiện các công đoạn tiếp theo của mô hình.

Hiện nay sau 4 năm trồng, cây keo lai đã khép tán, đây là thời điểm tỉa thưa thích hợp. Để triển khai đúng kỹ thuật và thời gian, cán bộ Trung tâm Khuyến nông đã chỉ đạo và hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật bài cây, tỉa thưa… Các khu rừng này với chu kỳ kinh doanh 10 năm nên số cây để lại sau tỉa thưa lần 1 là 900 – 1.000 cây/ha.

Theo Ông Nguyễn Văn Lục, một nông dân thực hiện mô hình tại xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ chia sẻ: “Tham gia mô hình từ năm 2014, đến nay tôi đã tiến hành tỉa thưa lần 1. Sau chưa đầy 4 năm nhưng đường kính cây đạt 12 -15 phân. Qua đánh giá cho thấy, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới thì rừng phát triển tốt, hy vọng sau 10 năm sẽ đem lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình”.

Theo hoạch toán kết quả đạt được bước đầu của cây keo lai cho thấy trữ lượng gỗ ước tính 100 - 110 m3/ha và thu được 56 triệu đồng/ha từ sản phẩm gỗ, lợi nhuận thu được trên 40,1 triệu đồng/ha trong chu kỳ 5 năm (mỗi năm thu được hơn 8,0 triệu đồng/ha). Với chu kỳ kinh doanh 10 năm, rừng keo lai gỗ xẻ cho trữ lượng gỗ 180 m3/ha, thu được 191,5 triệu/ha/chu kỳ kinh doanh, đạt 60% sản phẩm gỗ xẻ và 40% gỗ băm dăm, như vậy lợi nhuận thu được 175,2 triệu/ha, tính ra mỗi năm thu được 17,52 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với trồng keo lai gỗ nhỏ với chu kỳ kinh doanh 5 năm. Qua đó cho thấy nông dân khi trồng keo lai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng gỗ thì lợi nhuận nhiều hơn trồng keo lai gỗ nhỏ với chu kỳ kinh doanh 5 năm, đồng thời quy trình trồng rừng gỗ lớn giúp người trồng rừng giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng, do đó giảm xói mòn, rửa trôi đất do quá trình khai thác. Rừng keo lai gỗ lớn cũng có khả năng hấp thụ nhiều cacbon, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Trao đổi với chúng tôi ông Phan Ngọc Đồng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết: “Trong quá trình thực hiện chúng tôi đã hướng dẫn thực hiện theo quy trình trồng rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC với các bước thực hiện: xử lý thực bì, xác định mật độ trồng phù hợp để tiến hành các bước đào hố, bón phân, lấp hố, trồng cây và chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng sau khi trồng, tỉa thưa chuyển hóa rừng. Đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định cây trong mô hình sinh trưởng phát triển vượt trội so với những rừng đối chứng của người dân thực hiện xung quanh. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, chỉ đạo để có đánh giá cuối cùng làm cơ sở khuyến cáo cho bà con nông dân áp dụng nhân rộng mô hình này và sẽ đưa lại lợi ích kinh tế ngày càng cao hơn cho người trồng rừng trên địa bản tỉnh Quảng Trị”.

Phan Việt Toàn