Mô hình đã thu được những kết quả hết sức khả quan, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích mà còn hạn chế hiện tượng xói mòn đất, đảm bảo canh tác sắn bền vững.

Ông Nguyễn Vỹ – một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình cho biết, gia đình ông có 5 sào đất màu (1 sào = 500 m2). Trước đây canh tác theo cách cũ thì sau khi thu hoạch lạc xong ông mới tiếp tục trồng sắn nên đất bị thoái hóa. Mặc dù gia đình đã đầu tư thêm khá nhiều phân bón nhưng năng suất lạc và sắn vẫn giảm dần theo từng năm, bình quân 1 năm chỉ thu được trên dưới 5 tạ lạc và khoảng 3 tấn sắn củ. Khi thực hiện mô hình trồng sắn xen lạc này, ông được hướng dẫn trồng sắn và lạc cùng lúc theo quy cách xen kẽ giữa 2 hàng sắn trồng 2 hàng lạc. Theo tính toán của ông Vỹ, trung bình 1 sào lạc trồng xen với sắn cho thu hoạch khoảng 85 kg, với giá bán từ 30.000 – 35.000 đồng/kg thì tính ra chỉ riêng cây lạc đã mang lại cho ông từ 12 – 15 triệu đồng.

“So với trồng thuần lạc như trước đây thì trồng xen như thế này năng suất lạc cũng gần tương đương. Lợi thế của mô hình này là sau khi thu hoạch lạc, phần thân và lá tiếp tục được dùng để che phủ gốc sắn nhằm duy trì độ ẩm đất và tăng chất hữu cơ cho đất. Nhờ vậy cây sắn phát triển rất tốt. Dự kiến với 5 sào đất này tôi cũng phải thu được hơn 5 tấn sắn củ”, ông Vỹ nói.

Kiểm tra sinh trưởng của sắn

Vừa dẫn chúng tôi đi xem mô hình trồng sắn xen lạc, kỹ sư Dương Hồng Phong – Trạm trưởng Trạm KN huyện Cam Lộ vừa cho biết: Sắn và lạc là 2 loại cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện Cam Lộ, cho giá trị hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn và hộ gia đình. Tuy nhiên hiện nay hầu hết bà con nông dân chủ yếu là trồng thuần lạc, sau khi thu hoạch lạc xong mới tiếp tục trồng sắn trên diện tích đó. Bên cạnh đó, cây sắn còn được trồng chủ yếu trên đất dốc, đất nghèo dinh dưỡng, trồng chủ yếu theo lối quảng canh, không hoặc ít đầu tư phân bón, trong khi sắn là loại cây trồng hút nhiều chất dinh dưỡng trong đất, phá hại đất khá mạnh. Vì vậy đất càng bị thoái hóa, xói mòn nghiêm trọng. Về lâu dài sẽ làm diện tích đất trồng sắn bị cạn kiệt dinh dưỡng, năng suất và hàm lượng tinh bột trong củ giảm, hiệu quả kinh tế thấp.

Khi đó với mô hình này, sau khi bón phân, vôi và làm đất xong, các hộ thực hiện mô hình trồng theo quy cách giữa 2 hàng sắn trồng xen kẽ 2 hàng lạc. Trong đó, sắn được trồng theo mật độ hàng cách hàng 1m, cây cách cây 0,8m, trồng 1 hom có 4 – 5 mắt; Lạc trồng 2 hàng cách gốc sắn 30 cm, cây cách cây 10 – 12 cm, gieo 1 hạt/hốc. Sử dụng giống sắn KM94 và giống lạc L14. Qua theo dõi, cả 2 loại cây trồng này đều sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh gây hại, ít cỏ dại hơn.

Cụ thể, khi trồng lạc theo phương pháp này thì đất để trồng lạc chỉ mới chiếm tỷ lệ 40 – 50% tổng diện tích. Nhờ được hưởng lợi thế khoảng không gian của cây sắn thời kỳ đầu chưa khép tán nên các chỉ tiêu đều đạt khá tốt như: số quả chắc/cây khá cao đạt 11 – 12 quả, tỷ lệ quả chắc đạt trên 82%. Năng suất thực thu của mô hình đạt 17 tạ/ha, rất ấn tượng so với trồng thuần lạc.

Còn đối với cây sắn, khi trồng theo mô hình này mật độ sắn vẫn đảm bảo so với trồng thuần như trước đây. Nhưng nhờ được trồng sớm, cây sắn có đủ thời gian tích lũy (11 – 12 tháng) nên sẽ cho năng suất và hàm lượng tinh bột cao hơn. Bên cạnh đó, sau khi thu hoạch lạc xong toàn bộ thân, cành, lá, gốc, rễ của lạc sẽ được vùi lấp xuống đất làm phân xanh, đất sẽ giàu mùn và tơi xốp hơn, độ phì và khả năng giữ ẩm cũng tăng lên; nhất là với đất dốc bạc màu, đất sét pha cát tại các huyện trung du, miền núi.

Qua đánh giá thực tế tại mô hình này, dự kiến năng suất sắn đạt khoảng 25 tấn/ha, cao hơn so với năng suất bình quân ở địa phương từ 7 – 10 tấn/ha. Tính ra với mỗi ha trồng sắn xen lạc như thế này người dân thu được khoảng 65 triệu đồng, trừ chi phí thì lợi nhuận thu được khoảng 40 - 42 triệu đồng, cao hơn so với trồng luân canh lạc (đông xuân) – sắn (hè thu) hoặc trồng thuần lạc khoảng 19 triệu đồng/ha. Đây là một khoản chênh lệch không nhỏ đối với người nông dân.

“Tuy nhiên để trồng lạc xen sắn đạt hiệu quả cao bà con cần phải làm đất kỹ, bón phân đầy đủ, nhất là bón lót, lên luống để trồng với khoảng cách và mật độ thích hợp, sao cho mỗi cây trồng đều tận dụng được không gian dinh dưỡng (ánh sáng, không khí, đất) để sinh trưởng và phát triển đạt năng suất cao, chất lượng tốt”, ông Phong lưu ý.

Ông Trần Thọ Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền đánh giá rất cao mô hình trồng sắn xen lạc do Trạm KN huyện triển khai. Bên cạnh hiệu quả kinh tế thu được, mô hình này còn góp phần hạn chế xói mòn đất, giúp quá trình canh tác bền vững hơn. Thông qua mô hình người nông dân còn được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, các biện pháp kỹ thuật trồng trọt nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Ông Bình cho biết: “Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã Cam Tuyền là hơn 270 ha, trong đó có hơn 180 ha có thể thực hiện mô hình trồng sắn xen lạc. Trên cơ sở này, trong thời gian tới về phía chính quyền địa phương sẽ có những chủ trương, chính sách, tuyên truyền để nhân rộng mô hình này ra toàn xã nhằm cải tạo lại các vùng đất trồng sắn đang trên đà thoái hóa do trồng sắn lâu năm, liên tục, từng bước nâng cao thu nhập cho bà con nông dân”.

Thục Quyên