Đến thăm vườn trồng mướp đắng của gia đình ông Phan Văn Gia với diện tích 4 sào, trong đó có 2 sào trồng trong nhà lưới. Trao đổi với chúng tôi, ông Gia cho biết: Gia đình ông đã có kinh nghiệm trồng mướp đắng hơn 10 năm nhưng đây là năm đầu tiên ông áp dụng mô hình trồng mướp đắng trong nhà lưới nhằm hạn chế sâu bệnh, tăng năng suất. Sau thời gian trồng thử nghiệm, dự kiến năng suất tăng gần 1,5 lần so với trồng theo cách truyền thống trước đây. Đặc biệt là trồng theo mô hình này không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nên an toàn cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng.

“Bình quân 1 sào trồng mướp đắng trừ chi phí, thu lãi được từ 13 – 15 triệu đồng. Tuy nhiên do trồng ngoài trời nên những năm trở lại đây, khi gặp thời tiết lạnh là cây ngừng sinh trưởng, lá vàng và rụng dần. Thời điểm ra hoa, đậu quả thì thường bị các loại sâu bệnh phá hoại như ruồi đục quả, sâu đục quả, bọ rùa ăn lá… làm giảm năng suất, giảm phẩm chất quả. Nhưng năm nay mặc dù thời tiết có những thời điểm xuống dưới ngưỡng rét đậm, rét hại nhưng trong nhà lưới ấm hơn nên cây mướp đắng vẫn sinh trưởng, phát triển bình thường, đặc biệt là không bị các loại côn trùng gây hại. Đến thời điểm chuẩn bị thu hoạch như hiện nay nhưng tôi chưa sử dụng bất kỳ một loại thuốc BVTV nào cả. Đây là yếu tố quan trọng để hướng đến trồng mướp đắng theo tiêu chuẩn VietGAP mà HTX đã định hướng cho bà con”, ông Gia cho hay.

Mô hình trồng mướp đắng trong nhà lưới ở HTX Lại An, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, Quảng Trị

Ông Nguyễn Văn Đắc – Giám đốc HTX Lại An cho biết: HTX có khoảng 30 ha trồng rau và cây gia vị như cây mướp đắng, cây bí xanh, cây bầu, cây ớt... Trong đó diện tích trồng cây mướp đắng hơn 15 ha với gần 100 hộ tham gia trồng. Năng suất mướp đắng bình quân 1 tấn/sào, trừ chi phí cho lãi từ 10 – 15 triệu đồng. Sản phẩm mướp đắng của HTX Lại An đã tạo được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên do sản xuất theo kiểu truyền thống nên cây mướp đắng bị ảnh hưởng do thời tiết và côn trùng phá hoại làm giảm năng suất cũng như chất lượng. Từ khi được sự hỗ trợ của Trạm Trồng trọt & BVTV và Phòng Nông nghiệp huyện Gio Linh, HTX đã vận động bà con xã viên triển khai mô hình trồng mướp đắng trong nhà lưới với tổng diện tích 2 ha. Hệ thống nhà lưới được đầu tư khá đơn giản nhưng chắc chắn với trụ bê tông, khung sắt, giăng dây thép và phủ lưới chắn côn trùng. Vốn đầu tư nhà lưới khoảng 17 - 20 triệu đồng/sào. Đồng thời, nông dân cũng tiến hành phủ bạt nilon nhằm chống xói mòn đất và hạn chế sự xâm lấn của cỏ dại. Lắp đặt hệ thống tưới phun mưa, khi cần chỉ việc đóng van nước là xong.

Theo ông Đắc, đối với người nông dân thì kinh phí bỏ ra để thực hiện mô hình là hơi cao nhưng những gì đạt được là thỏa đáng. Sản phẩm làm ra mang tính an toàn cao. Nhận thấy hiệu quả mang lại từ mô hình nên bên cạnh những hộ được hỗ trợ đến nay đã có thêm 10 hộ tự bỏ tiền ra để làm nhà lưới trồng mướp đắng.

Theo thạc sỹ Võ Thị Tuyết Trinh, bên cạnh việc hỗ trợ nhà lưới, bạt nilon, trong quá trình sản xuất đều có sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ kỹ thuật từ khâu ngâm hạt giống, gieo trồng cho tới việc xới đất, phơi và xử lý đất (bằng thuốc trừ côn trùng 15 - 20 ngày trước khi trồng), vun luống (luống cao 20 – 40 cm); cách đặt dây, cắt ngọn, bón phân, cắm giàn sao cho đúng kỹ thuật; dùng nguồn nước sạch để tưới, tuyệt đối không sử dụng nước thải chưa qua xử lí. Đối với phân chuồng ngoài phương pháp truyền thống là ủ thành đống đến khi hoai mục mà lâu nay nông dân vẫn thường làm, cán bộ kỹ thuật còn hướng dẫn nông dân sử dụng chế phẩm sinh học như Tricoderma để ủ hoai. Cách làm này ngoài việc cung cấp phân bón an toàn còn bổ sung thêm một số chủng loại vi sinh vật có lợi trong việc cải tạo đất, hạn chế các vi sinh vật, nấm hại gây hại trên cây trồng. Đây cũng là biện pháp tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón. Đối với thuốc BVTV, nông dân được hướng dẫn cách chọn các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, thuốc được chế từ thảo mộc và tuân thủ đúng thời gian cách ly. Sử dụng thêm các loại phân bón qua lá để tăng cường sức sinh trưởng của cây trong lúc ra hoa, đậu quả.

Theo chị Trinh, mô hình trồng mướp đắng trong nhà lưới chắn côn trùng phù hợp với chủ trương khuyến khích xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Việc xây dựng các mô hình theo kiểu này sẽ làm tăng năng suất, tăng thu nhập cho người dân và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn xuất hiện một số hạn chế như: sử dụng hệ thống nhà lưới vào mùa hè dẫn đến nhiệt độ bên trong nhà lưới cao hơn bên ngoài nên cần tăng cường tưới phun mưa để giảm nhiệt độ. Ngoài ra, sử dụng nhà lưới còn hạn chế rất nhiều quá trình thụ phấn tự nhiên, cần nuôi thêm ong để thả vào trong giai đoạn mướp đắng ra hoa.

Trong thời gian tới Trạm sẽ đề xuất với UBND huyện, Chi cục Trồng trọt&BVTV tỉnh để nhân rộng mô hình này ra các địa phương khác, trên các loại cây trồng khác. Đây cũng chính là cơ sở để hình thành các vùng trồng rau quả an toàn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng trong và ngoài huyện.

Thục Quyên