Trong đó Trạm KN huyện hỗ trợ 100% tôm giống và 30% thức ăn công nghiệp, còn lại do hộ thực hiện mô hình đối ứng. Tổng giá trị hỗ trợ của mô hình là hơn 80 triệu đồng. Ưu điểm của mô hình này là khép kín, cách ly được môi trường dịch bệnh giai đoạn đầu, nuôi mật độ cao, quản lý tốt được thức ăn và môi trường, nâng cao tỉ lệ sống, nuôi tôm lên cỡ lớn; tạo điều kiện tăng năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích và đặc biệt là thuận lợi cho việc xử lý chất thải trong vụ nuôi.

Thả giống tôm trong mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn

Ông Lê Chí Công – Trạm trưởng Trạm KN huyện Vĩnh Linh cho biết: Mô hình nuôi tôm hai giai đoạn là một tiến bộ kỹ thuật mới, rất chuẩn và khoa học. Mô hình cần ít nhất 1 ao ương tôm giai đoạn còn nhỏ, 2 ao nuôi chính và 2 ao lắng xử lý nước trước khi đưa qua ao nuôi chính. Quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn bao gồm: giai đoạn 1 tôm được nuôi trong nhà lưới từ 20 – 30 ngày nhằm tránh tác động của thời tiết và các yếu tố khác từ bên ngoài. Lúc này, môi trường ao nuôi được kiểm soát chặt chẽ sẽ hạn chế bệnh hoại tử gan tụy thường xảy ra trong 20 ngày đầu của quá trình nuôi; tôm giống thả mật độ 1.000 – 3.000 con/m2. Khi tôm có trọng lượng 1,5 - 2 g/con, chuyển sang giai đoạn 2 ở ao nuôi liền kề, mật độ 200 - 300 con/m2, nuôi đến khi đạt kích cỡ 40 – 60 con/kg. Tổng thời gian nuôi từ 80 – 100 ngày. Trong quá trình nuôi không sử dụng bất kỳ loại hóa chất gì, chỉ dùng chế phẩm sinh học. Không thay nước hoặc thay nước rất ít, chỉ cấp bù lượng nước bị hao hụt.

“Đây là quy trình nuôi dễ thực hiện, phù hợp với quy mô cá nhân lẫn trang trại lớn. Nếu tuân thủ đúng quy trình, một năm có thể nuôi 4 - 5 vụ với thiết kế hệ thống ao ương thực hiện liên tục. Sản lượng thu hoạch từ 120 - 200 tấn/ha/năm. Hệ số chuyển đổi thức ăn khoảng 0,85 - 1. Chi phí 1kg tôm thành phẩm (loại 50 con/kg) khoảng 60.000 - 65.000 đồng. Giảm chi phí từ 10 – 20% so với các quy trình nuôi thông thường hiện nay. Tôm thương phẩm có giá cao hơn thị trường 5 - 10%”, ông Công khẳng định.

Thục Quyên