Mô hình được triển khai trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị gồm: xã Vĩnh Giang 5 ha (xã bãi ngang ven biển) và xã Hiền Thành 2 ha (xã vùng đồng bằng). Tham gia mô hình các hộ dân được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ giống và vật tư phân bón như: bạt phủ nilong, chế phẩm trichodecma để ủ phân hữu cơ vi sinh, phân bón lá sinh học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Ngoài việc hỗ trợ vật tư, các cán bộ kỹ thuật đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trong suốt quá trình thực hiện mô hình.

Ông Lê Chí Công, trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Linh cho biết, trước khi xuống vụ, trạm đã tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất dưa hấu ATVSTP. Tuy  nhiên năm nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên trạm đã tập huấn từng nhóm hộ (dưới10 người), hướng dẫn trực tiếp tại đồng ruộng, hướng dẫn tại hộ gia đình… để đảm bảo an toàn trong việc giãn cách và tuân thủ theo khuyến cáo của ngành y tế (5K).

Mô hình trồng dưa hấu VSATTP trên đất lúa thiếu nước cho hiệu quả kinh tế cao

 

Qua quá trình triển khai mô hình, kết quả đã cho những tín hiệu rất khả quan. Việc sử dụng bạt phủ nilon đã giúp giảm bớt công làm cỏ, hạn chế thất thoát phân bón, nước tưới, giữ ẩm cho gốc dưa tốt hơn; tỷ lệ sống cao, cây dưa sinh trưởng, phát triển tốt, quả to, đồng đều. Trồng dưa trên đất lúa đã giúp người dân nâng cao hệ số sử dụng đất, tránh bỏ hoang đất trong vụ Hè Thu đồng thời giảm sâu bệnh hại do luân canh cây trồng. Dưa hấu trồng trên đất sau khi thu hoạch lúa vụ Đông Xuân vừa tận dụng độ ẩm để gieo trồng, đồng thời đảm bảo đúng thời vụ và phù hợp với tình hình thời tiết trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Gặp chúng tôi khi đang thu hoạch dưa, anh Lê Văn Đồng, thôn Tân An, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh cho biết: “Trước đây đất này tôi làm lúa, làm một vụ Đông Xuân, còn vụ Hè Thu thì nước tưới khó khăn nên tôi và người dân trong vùng này để hoang. Nay được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, ban đầu tôi nghĩ làm để tránh đất hoang hóa nhưng qua quá trình làm thì hiệu quả mang lại thật bất ngờ, cây dưa hấu Trang nông TN755 rất hợp đồng đất này. Gia đình tôi làm 0,5 ha, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 50 triệu. Với hiệu quả này, sang năm tôi sẽ phát huy tiếp tục làm và nhân rộng để tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

Còn theo ông Lê Văn Nghĩa, thôn Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh cho biết nếu bình thường trồng lúa thì mỗi ha cũng chỉ cho thu nhập khoảng 18-20 triệu đồng. Nhưng giờ trồng dưa hấu, nhờ làm theo hướng hữu cơ, cuối vụ có tem truy suất nguồn gốc nên rất dễ bán, tính ra lãi cao hơn gấp 4-5 lần so với trồng lúa.

Ông Nguyễn Thuận Sang, Giám Đốc HTX Vĩnh Hiền, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh cho biết: Dưa hấu được sản xuất theo hướng hữu cơ nên có độ kết tinh cao và hương vị thơm ngọt, đậm đà. “Ước tính năng suất thu được khoảng 20 tấn/ha, giá bán tại ruộng từ 7-8 nghìn đồng/kg. Với điều kiện năng xuất hiện tại thì đủ khuyến khích nông dân sản xuất. Chủ trương của HTX trong những năm tới sẽ mở rộng diện tích để tạo ra sản xuất hàng hóa tập trung vừa khai thác tiềm năng đất đai vừa mang về nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân.

Trao đổi với chúng tôi ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết: Để đánh giá chất lượng sản phẩm dưa hấu đảm bảo VSATTP thì Trung tâm Khuyến nông đã gửi mẫu đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị và kiểm nghiệm trên 5 chỉ tiêu là test nhanh dư lượng thuốc BVTV nhóm carbamat và lân  hữu cơ; chì; asen; E. Coli; Colifoms. Kết quả kiểm nghiệm các chỉ số đều đạt ở mức cho phép, dưa hấu đảm bảo ATVSTP theo đúng yêu cầu của mô hình. Quá trình triển khai cho thấy mô hình rất phù hợp với đồng đất của xã Hiền Thành và Vĩnh Giang. Trung bình 1 ha trồng dưa hấu cho lợi nhuận khoảng 85 – 95 triệu đồng.

Dưa hấu trong mô hình được dán tem truy suất nguồn gốc nên dễ tiêu thụ

 

Thông qua mô hình giúp nông dân có cách nhìn mới trong việc trồng dưa hấu tuân thủ quy trình kỹ thuật, hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV một cách bừa bãi, giảm chi phí và công lao động, tăng hiệu quả sản xuất, bảo vệ nguồn nước, đất, không khí. Sản phấm có tem truy xuất nguồn gốc được nhiều người biết đến, đồng thời giúp cho người tiêu dùng làm quen với việc sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ. Mô hình triển khai là cơ sở giúp các hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến tham quan, học tập, nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý trên đất lúa thiếu nước, hình thành được các vùng sản xuất an toàn, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, tạo hướng sản xuất bền vững.

Phan Việt Toàn

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị