Ông Lê Minh Quốc Hưng, sinh năm 1968, ngụ tại Khu phố 1, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên, Tây Ninh đang ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm phun mưa trên 50 ha các loại cây ăn trái (cam, quýt, nhãn, sầu riêng). Ông Hưng cho biết: Phương pháp tưới truyền thống có chi phí rất cao, mỗi đợt tưới phải mất từ 2 – 2,5 công lao động cho mỗi ha, như vậy số tiền công tưới 50 ha là khoảng 20 triệu đồng/đợt tưới. Việc tưới kéo dài dẫn đến các cây phát triển không đồng đều, khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi thì những cây tưới sau sẽ cho năng suất thấp. Trong khi đó áp dụng hệ thống tưới phun thì chỉ cần khoảng 3 công lao động tưới cho diện tích 50 ha vườn và công việc của các lao động này cũng nhẹ nhàng hơn nhiều so với cách tưới truyền thống trước đây. Ngoài ra còn mang lại nhiều lợi ích như: nuôi cỏ giữ độ ẩm cho đất và tầng đất mặt, giúp cây trồng phát triển tốt, cây lá xanh, chồi mọc khỏe, hạn chế được một số loại sâu bệnh hại nhờ cung cấp đầy đủ nước, giảm được chi phí tưới nước từ đó giảm chi phí sản xuất tăng hiệu quả kinh tế.

Áp dụng tưới phun tại vườn cây của ông Hưng

Hệ thống tưới này có thể áp dụng cho hầu hết các loại đất khác nhau cũng như các loại địa hình phức tạp. Bên cạnh những ưu điểm kể trên, tưới phun cũng có nhược điểm như chi phí đầu tư tương đối lớn, chất lượng tưới phun mưa (sự phân bố hạt trên diện tích tưới) phụ thuộc vào điều kiện thời tiết (vận tốc và hướng gió). Tuy nhiên, nhược điểm không đáng kể so với những ưu điểm mà nó mang lại. Vì vậy, phương pháp này hiện nay được nông dân áp dụng rộng rãi. 

Trần Thế Minh 

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh