Mô hình được triển khai tại xã Hợp Tiến và Đông Xá, huyện Đông Hưng qui mô 10 con. Sau khi tham qua mô hình, các đại biểu đều nhận xét, mô hình áp dụng thực hành chăn nuôi tốt rất có hiệu quả: vệ sinh sạch sẽ, không có mùi hôi thối, đàn lợn khỏe mạnh, chuồng trại thoáng mát. Chủ hộ đã thực hiện nghiêm túc qui trình thực hành chăn nuôi tốt nên lợn sinh trưởng và phát dục tốt. Tỉ lệ phối giống lứa đầu đạt 100%, số lợn con sơ sinh sống 24 giờ/ổ là 11,12 con, cao hơn yêu cầu của chương trình. Điều này phản ánh chất lượng đàn lợn hậu bị tốt, quá trình phối giống, chăm sóc đàn nái trong thời gian mang thai tốt.  

Tỷ lệ nuôi sống đến cai sữa cao, đạt 97,82%; trọng lượng sơ sinh đạt 1,35 kg/con; trọng lượng cai sữa đạt 9,4 kg/con ở 28 ngày tuổi. Tất cả các chỉ tiêu này đều đạt tiêu chuẩn của giống và cao hơn yêu cầu đề ra của chương trình. Dựa vào đàn đã bán và tách mẹ tính toán hiệu quả kinh tế, người chăn nuôi thu lãi từ 6.850.000 - 8.383.000 đồng/lứa.

Ông Nguyễn Văn Tiềm - chủ hộ chăn nuôi cho biết: “Sau khi tiếp nhận mô hình và thực hành theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, tôi thấy lợn không có dịch bệnh, nhất là đàn lợn con rất khoẻ mạnh, tỉ lệ sống  cao. Lợn nái F2 có sức khỏe tốt, tăng cân nhanh nên thay thế giống lợn nội cũ sẽ cho hiệu quả cao hơn”.

Phát biểu tổng kết hội nghị, ông Nguyễn Văn Chúc - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đông Hưng nhấn mạnh, mô hình đã có kết quả tốt cần được nhân rộng, phổ biến cho các hộ chăn nuôi khác học tập làm theo.                                               

Mai Thị Thu Hương

Trung tâm Khuyến nông Thái Bình