Với mục tiêu ổn định lương thực tại chỗ theo hướng hiện đại, bền vững lâu dài, góp phần chủ động trong sản xuất các ngành, nghề và đột phá trong sản xuất nông nghiệp bằng việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng diện tích, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Vụ Xuân Hè năm 2018, từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu địa phương, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã ký hợp đồng với Trạm khuyến nông Lang Chánh và Bá Thước tổ chức xây dựng mô hình “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trồng ngô thâm canh đạt hiệu quả kinh tế cao" tại xã Đồng Lương (huyện Lang Chánh) và xã Điền Lư (huyện Bá Thước), quy mô 17 ha, có 80 hộ dân tham gia.

Trước khi triển khai mô hình, các Trạm đã tổ chức chọn điểm, chọn hộ và cấp phát vật tư (100% giống, 100% phân bón) cho các hộ trực tiếp tham gia mô hình. Ngoài ra các hộ còn được dự các lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo tổng kết, nhân rộng mô hình...

Mô hình sử dụng giống ngô PSC102. Đây là giống ngô có thời gian sinh trưởng trung bình từ 105 – 110 ngày; có khả năng chống chịu sâu bệnh cao;  dạng hạt bán đá, màu hạt đẹp, bắp to, đồng đều; bộ lá gọn, góc lá nhỏ vừa phải, lá dầy, màu xanh đậm, bền; có thể trồng với mật độ cao, trọng lượng thân lá lớn, rất thuận lợi trong chăn nuôi gia súc; giống có thời gian trỗ cờ, phun râu tập trung (5- 7 ngày).

Mô hình được triển khai tại hai xã miền núi, nơi mà người dân còn gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy, người dân đã thực hiện nghiêm túc quy trình theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, từ khâu: làm đất, chọn giống, ngâm ủ, trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Sau 5 tháng triển khai, năng suất mô hình bình quân đạt 6,7 tấn/ha, giá bán ngô hạt thương phẩm đạt 5 triệu đồng/tấn, cho thu nhập trên 33 triệu đồng/ha; sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi trên 9 triệu đồng/ha, cao hơn so với cách làm truyền thống gần 4 triệu đồng/ha.

 

Giống ngô PSC102 cho bắp to, đồng đều, màu hạt đẹp

 

Việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh cây ngô mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng một diện tích đất canh tác, giúp người nông dân nâng cao thu nhập, đặc biệt giúp người dân miền núi có cái nhìn  mới, thay đổi cách nghĩ, cách làm. Để mô hình được nhân rộng ở các vụ, các năm tiếp theo, Trạm Khuyến nông 2 huyện nói riêng và các huyện trong tỉnh nói chung rất mong được sự hỗ trợ của nhà nước xây dựng thêm nhiều mô hình, ở nhiều địa phương, đặc biệt ở các huyện miền núi, giúp người dân nâng cao kiến thức, kỹ năng, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhằm nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con tại địa phương.

Thu Hiền

TT Khuyến nông Thanh Hóa